Lý Phỉ
Tôi ngồi bên cửa sổ, ngắm ánh nắng trên phiến lá cây dương, giờ này hôm qua ánh nắng đang chiếu thẳng lên một phiến lá khác. Hai phiến lá này rất gần nhau, che chở cho nhau, gió vừa thổi là sẽ chạm vào nhau, một chiếc to rộng, một chiếc mảnh mai, ánh sáng lọt qua chiếu lên chiếc rễ phụ trên đất. Mùa thu tới rồi. Lá cây đang ít dần đi. Tôi muốn vẽ chúng, nhưng lại lo mình vẽ không giống, vậy thì chẳng bằng để chúng ở lại trên cây. Cái cây này bầu bạn với tôi rất lâu rồi, mỗi lần tới đây chữa chân xong tôi đều ngồi ở chỗ này, ngắm cái cây này, ngắm nó từ từ lớn lên to lên, ngắm nó mọc đầy lá, lắc lư trong bộ quần áo dày dặn, ngắm nó rụng sạch lá, trần trụi thân mình. Cây, cây, cái cây không thể đi lại, cái cây không nơi nương tựa.
Tôi nhớ đến lần chuyển nhà đầu tiên, về sau cũng có chuyển nữa, nhưng lần đầu tiên trong đời luôn để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Sau khi chuyển nhà, phần lớn đồ đạc đều không còn nữa. Nhà bé hơn trước một nửa, ngày đầu chuyển vào, kháng vẫn còn lạnh, bố đốt lò, kết quả là một tiếng động rất lớn vang lên, hất văng tôi từ trên kháng xuống, vỡ cả mặt. Kháng sụp thành một cái hố to, là do khí sinh học bên trong tồn đọng quá lâu, bị lửa hun nóng một cái là bùng ra. Có những khi tan học về nhà, tôi ngồi trên mép cái kháng xa lạ, nhớ đến nhiều nhất là nhà của Tiểu Thụ, cái khoảng sân tôi thường hay đến, nhớ đến Tiểu Thụ dùng một nhánh cây chặt con sâu bướm ra làm đôi, tôi quay mặt đi, Tiểu Thụ bảo, sao thế? Tôi nói, không sao. Tiểu Thụ bảo, chị thì biết gì? Nó ăn lá cây. Tôi nói, thế thì cũng đâu phải lỗi của nó. Trước khi chuyển khỏi con hẻm đó, tôi nói với Tiểu Thụ, Tiểu Thụ, sắp đến Giáng sinh rồi. Tiểu Thụ bảo, còn xa, hẵng ba tháng nữa cơ. Tôi nói, hôm Giáng sinh bọn mình không còn là hàng xóm nữa. Tiểu Thụ bảo, thì có sao, nên làm gì thì làm nấy. Tôi biết nhà họ Trang có tổ chức lễ Giáng sinh, đêm Giáng sinh năm nào Phó Đông Tâm cũng tặng quà cho mọi người cả, có một năm tặng tôi một cuốn sổ tay, trên trang đầu có viết một câu, không ai có thể sống mãi, nhưng có thể sống mãi cùng nhau. Tuy là tôi không hiểu ý nghĩa của câu này lắm, nhưng tôi rất thích nét chữ của cô giáo Phó, giống như chữ đàn ông vậy, rắn rỏi mạnh mẽ. Tôi nói, em thích thứ gì? Tiểu Thụ bảo, chị mua nổi không? Em không cần, mẹ em mắng em còn ít chắc? Tôi nói, chị có thể làm cái này cho em. Tiểu Thụ bảo, làm gì? Tôi nói, pháo hoa được không? Tiểu Thụ bảo, giống cái bao diêm chị đốt á? Tôi nói, em còn nhớ à? Tiểu Thụ nói, cái đồ chơi ý bé quá, chả thú vị. Tôi nói, em muốn to bao nhiêu? Tiểu Thụ bảo, càng to càng tốt. Thằng bé dang hai tay ra, to như thế này này, sang năm mẹ em mua cho em cái roi, sợ em cho nổ người ta luôn. Tôi ngẫm nghĩ rồi nói, chị biết rồi, ở đầu phía đông có một bãi cao lương, bố chị dẫn chị ghé chơi nhà một chú, chị từng ở đấy rồi, mùa đông không cắt thân cao lương. Khô hết, đốt phát được luôn. Giống cây thông Noel. Tiểu Thụ bảo, chị dám? Tôi nói, chắc là đốt được một đám lớn, một đám thông Noel. Tiểu Thụ vỗ tay bảo, chị dám thật? Tôi nói, em có đi xem không? Đi qua nhà máy than đá là thấy. Tiểu Thụ bảo, chị dám đi thì em cũng dám đi. Tôi nói, bất kể chị ở đâu? Cậu ấy nói, bất kể chị ở đâu. Tôi nói, thế nhỡ cô giáo Phó không cho em đi thì sao? Tiểu Thụ bảo, không cần chị để ý, em tự có cách. Tôi nói, mấy giờ? Tiểu Thụ bảo, sớm quá sẽ bị người ta nhìn thấy, mười một giờ? Tôi nói, mười một giờ, em đừng quên đấy. Tiểu Thụ bảo, trí nhớ của em hơi bị tốt, chỉ là có thích nhớ hay không thôi. Nhất định em sẽ tới.
Thiên Bác tới, nói chuyện với tôi. Hình như là nói về cái chân, rằng là chân bị làm sao, tôi không nghe rõ, vì đang nghĩ đến một câu chuyện khác từ rất lâu rồi. Nhiều năm trước, cô giáo Phó đang ngồi vẽ bao thuốc, tôi quỳ gối nhìn bên cạnh cô, là mùa đông, kháng đốt lửa rất nóng, tôi mặc chiếc áo len bố làm cho, không đi tất. Cô giáo Phó nghiêng đầu nhìn tôi, mỉm cười, bảo, áo len của bố con đan khéo quá. Tôi cũng cười, nhớ tới lúc bố đan áo, dáng vẻ thật vụng về, tôi ngồi cạnh giúp bố quấn len, sợi len vướng trên cổ bố. Cô giáo Phó bảo, con đừng động, để cô vẽ con nhé. Tôi nói, cô muốn vẽ em lên bao thuốc ạ? Cô giáo Phó bảo, thử chút, vẽ cả con và cái áo len. Tôi nói, không đẹp đâu ạ. Cô giáo Phó bảo, đẹp chứ. Tôi nói, thế để con đi tất vào. Cô giáo Phó bảo, đừng động đậy, bắt đầu vẽ rồi. Sau khi vẽ xong bản nháp, bố tôi tới thăm, trên bức vẽ là tôi, chân trần, mặc áo len ngồi trên kháng, nhưng không phải ngồi đờ ra, mà đang tung “galaha*” lên không trung, ba cái “galaha” tách nhau ra trên không, giống như những vì sao vậy. Tôi biết, đây gọi là tưởng tượng. Cô giáo Phó bảo, đặt tên gì đây, cái bao thuốc này ấy? Tôi nhìn chính mình, không nghĩ ra. Cô giáo Phó bảo, có rồi, gọi là đồng bằng. Tôi cũng thấy hay, nhưng không biết bản thân thứ đồ chơi “galaha” và đồng bằng thì liên quan gì đến nhau, nhưng lại cảm thấy cái tên này rất chuẩn.
*Galaha, tiếng Mãn gọi là Gachuha, là một đồ chơi truyền thống của phụ nữ và trẻ em gái Đông Bắc, xuất phát từ người Mãn, được làm từ xương bánh chè của động vật như cừu, dê, bò…

Tôi còn nhớ tới một đêm khác cách đây rất nhiều năm, tôi tỉnh lại trên một chiếc giường ở nơi đó, nhìn thấy đầu tiên là Thiên Bác, ngày trước chúng tôi từng gặp nhau, nhưng không nói gì, hai người tôi đều trầm tính. Thiên Bác ngồi bên giường, đang xếp tú lơ khơ lên ga giường, từ K đến Át, xếp thành một con rồng dài tướng, định xuống khỏi giường, đi chỗ khác. Tôi thấy mịt mờ, lưng đau dữ dội, bên dưới dường như không có gì cả. Tôi nói, Thiên Bác, bố em đâu? Thiên Bác nói, em tỉnh rồi, vậy là không sao, chú ấy cũng không việc gì, đang ngồi bên ngoài hút thuốc với bố anh, em chơi tú không? Đánh sấn nhá? Tôi nói, cặp sách của em đâu? Thiên Bác trỏ trỏ. Đang ở cùng với quần áo dính máu của tôi, trên một chiếc giường khác. Tôi nói, vứt đi giúp em, đừng để bố em thấy.
Lần này tôi nghe rõ Thiên Bác đang nói gì rồi, anh ấy nói, hôm nay có cảm giác chân trái của em mập lên. Tôi nói, chắc là phù. Anh ấy bảo, không phải, là mập, lúc châm cứu anh thấy kinh lạc linh hoạt hơn một ít, em cử động ngón chân đi. Tôi thử cử động, không được. Tôi nói, anh làm sai rồi. Anh ấy bảo, gót chân có thấy nóng không? Tôi nói, có một chút. Anh ấy bảo, là dấu hiệu tốt. Theo dõi thêm xem sao. Tôi nói, anh toàn ôm hy vọng, thế này không ổn. Anh ấy bảo, chuyện này có cơ sở đấy, mặc dù bao nhiêu năm thế này không nên có hy vọng, nhưng bắt đầu từ tháng trước anh thấy có một vài thay đổi, em bị thương cột sống, theo lý thuyết thì không dễ tốt lên, nhưng gần đây cột sống của em hình như đã hồi phục được một ít, có một vài phản xạ ngày trước không có, kỳ lạ lắm, vạn vật tự có quy luật của nó, chúng ta cứ xem xem thế nào. Tôi nói, bên ngoài nắng đẹp lắm, anh đẩy em ra ngoài đi dạo. Anh ấy bảo, nói với em chuyện này, hôm qua có hai cảnh sát tới. Tôi nói, anh nói với bố em chưa? Anh ấy bảo, nói rồi. Chú ấy bảo không sao. Đúng rồi, lúc tối anh nhặt được một cái bao thuốc ở ngoài đường cho em, chắc là em chưa có. Thiên Bác móc một bao thuốc đã được dỡ thẳng thớm ra từ túi phải của chiếc áo blouse trắng. Tôi nhận lấy rồi ngắm nghía, đúng là tôi chưa có. Em xem cái cô bé này, vẽ rõ đẹp, anh ấy bảo. Tôi kẹp bao thuốc vào cuốn sách bên cạnh, nói, hai tay cảnh sát hôm qua hỏi anh những gì rồi? Anh ấy bảo, một tay tầm bốn mươi tuổi, người còn lại mười bảy mười tám, hỏi anh có biết vụ án xảy ra ở khu vực gần đây vào hai mươi năm trước, tai nạn xe, sau đó có một cảnh sát bị người ta đánh tàn phế. Anh nói không biết, lúc đó anh còn bé, đi ngủ sớm. Bọn họ hỏi anh, bố anh có bao giờ nhắc đến chuyện kiểu như tối đó có những người nào đến không. Anh bảo, không nghe thấy ông ấy nhắc đến bao giờ, ông ấy cũng là người ngủ sớm dậy sớm. Bọn họ hỏi anh có bệnh án không, anh bảo có, bọn họ bảo anh đưa xem thử, xem xong họ bảo, bảo mẹ cậu tới nói chuyện với bọn tôi, anh nói sau khi bố anh nghỉ hưu thì hai người họ ly hôn, bây giờ mẹ tôi đang làm gì tôi cũng không biết. Thế là họ đi. Tôi nói, anh không sợ à? Anh ấy bảo, anh là thầy thuốc mà… Dạo này em đừng đến nữa, cùng đừng gọi điện, đợi qua đợt này rồi nói tiếp, anh sẽ chuẩn bị sẵn thuốc cho ba tháng tới cho em mang đi, xong rồi em tự xoa bóp cho mình, anh dạy em rồi đấy. Tôi nói, vâng. Anh ấy bảo, gần đây em có viết tiểu thuyết không? Tôi nói, có viết, mà chưa viết xong. Viết xong sẽ cho anh xem. Anh ấy bảo, em nghỉ ngơi đi, anh đi ra đằng trước xem bệnh nhân thế nào, chườm nóng cả nửa tiếng rồi, sắp sửa chín đến nơi.