Phó Đông Tâm
Trước khi chuyển nhà, có một tối Đức Tăng không có nhà, tôi đi tìm lão Lý bàn chuyện. Một là chuyện liên quan tới tương lai và việc dạy dỗ Tiểu Phỉ. Hai là chuyện liên quan tới quá khứ. Tới cổng nhà anh ấy, tôi thấy lão Lý ngồi trên kháng đang sửa đồng hồ treo tường, Tiểu Phỉ hôm nay không ở nhà, trường có buổi liên hoan. Buổi tối đầu thu năm 1995, ở trong thành phố vẫn trông thấy sao trời. Tôi đứng trong sân nhà anh, nhìn anh dỡ chiếc đồng hồ treo tường ra, dùng một cây đinh nhỏ khều linh kiện bên trong ra lau chùi, rồi vặn lại bằng tua vít. Chòm sao Thợ Săn trên đầu đeo đai lưng, rực sáng không gì bì nổi. Đồ cũ chất đầy trong sân, hòm da, tủ giường, giầy dép, nồi niêu xoong chảo. Là để bán, chuyển nhà không mang được nhiều như thế, có lẽ đồng hồ cũng để bán, nhưng anh ấy muốn sửa nó cho xong trước đã. Tôi gõ cửa, anh ấy ngồi trên kháng ngẩng đầu lên, nói, cô giáo Phó tới rồi. Tôi bảo, Tiểu Phỉ gọi thế chứ thầy Lý thì đừng gọi như vậy, nói với anh mấy lần rồi. Anh ấy xếp linh kiện gọn gàng, xuống khỏi kháng, đứng dưới đất, nói, cô giáo Phó ngồi đi. Tôi ngồi xuống, anh ấy đi rửa tay xà phòng, đi ra sân mở cái tủ giường, lấy ra một cái ấm bằng sắt, pha cho tôi chén trà. Tôi nói, anh cũng ngồi đi, nói chuyện Tiểu Phỉ với em. Anh ấy bảo, ngồi cả nửa ngày rồi, đứng một lát. Tôi nói, thành tích thi thử lần này của Tiểu Phỉ em đã xem rồi, hơn điểm thi vào trường cấp ba tốt nhất ba mươi điểm. Anh ấy bảo, cô giáo Phó dạy giỏi quá. Tôi nói, em không dạy con bé làm bài kiểm tra, là nó tự chú ý học hành. Anh ấy bảo, con bé này ngồi yên được. Tôi nói, phí chuyển trường* anh đừng quá để ý, chỗ bọn em có ít tiền chưa dùng đến. Anh ấy bảo, không để ý, tôi chu cấp được cho con. Tôi xin nhận tấm lòng của cô giáo Phó. Tôi nói, học trò thời xưa học xong xuống núi, sư phụ vẫn sẽ cho cây kiếm hoặc chi phí đi đường, anh đừng khách sáo với em, thật sự không ổn thì khi nào về anh lại trả em, coi như em cho anh mượn. Anh ấy cầm chén trà của tôi trên cái bàn trên kháng, gạn bớt nước, rồi châm thêm một chén nước nóng. Uống một ít cho ấm, uống trà lạnh đau dạ dày, anh ấy bảo, tôi cũng có học trò, dạy xong thì bọn họ thay thế tôi, nhưng tôi không để bụng. Bọn họ ra ngồi quảng trường, tôi ở nhà nghỉ ngơi, không mất mặt cũng chẳng phải ăn xin. Tôi vói tay vào túi quần định lấy bọc giấy đã chuẩn bị sẵn ra, anh ấy giữ khuỷu tay tôi lại, nói, cô giáo Phó đừng như thế, nói miệng là được rồi, cô mà lấy ra là tôi đuổi cô về đấy. Tôi nhìn đôi mắt anh ấy, rất to, không giống rất nhiều người ở trong công xưởng đã lâu, hơi vẩn đục mà lại sáng sủa rõ ràng. Tôi dỡ bọc giấy, gỡ tay ra, nói, em hiểu rồi, rốt cuộc thì vẫn là chuyện của anh với Tiểu Phỉ, em nên rút, thế này đã được chưa? Anh ấy nói, cũng không phải là cô rút, mỗi người có một cách riêng, tôi đã nói cả rồi, tôi xin nhận tấm lòng của cô.
*Thời đó học cấp ba không đúng tuyến sẽ phải trả thêm phí chuyển trường.
Nhất thời không ai nói gì, tôi nghe thấy tiếng ruột đồng hồ trơ trụi trên bàn kháng, chạy “tích tắc”. Tôi nói, còn chuyện này muốn nói với anh, ngày mai em chuyển nhà rồi. Anh ấy bảo, cô nói đi. Tôi nói, anh ngồi xuống được không? Anh đứng thế này trông cứ như em đang giảng bài. Đó là một đêm tháng chín, anh ấy mặc một chiếc áo len cũ màu trắng, để lộ quá nửa cánh tay, cơ bắp rõ ràng, rắn chắc như một thân cây, cổ tay đeo đồng hồ Seagull*, tuy vừa làm việc chân tay nhưng không hề ra mồ hôi gì cả, rất sạch sẽ. Anh ấy mân mê dây đồng hồ, ngồi đối diện tôi, chếch sang bên, chân gác giữa không trung. Tôi nói, ngày xưa thầy Lý có biết em không? Anh ấy bảo, không biết, cô chuyển nhà tới đây mới quen, biết cô giáo Phó là người có học thức. Tôi nói, em biết anh. Anh ấy bảo, thật không? Tôi nói, năm 68, có lần bố em bị người ta đánh, anh đi ngang qua cứu ông ấy. Anh ấy bảo, là tôi sao? Tôi không nhớ nữa. Bây giờ ông ấy thế nào rồi? Tôi nói, lẫn rồi, tai điếc, nhưng sức khỏe vẫn ổn. Anh ấy bảo, thế thì tốt, đỡ phiền lòng. Được một lúc, anh ấy bảo, khi ấy ai cũng thế cả, tôi cũng từng đánh người, chỉ là cô không thấy thôi. Tôi nâng chén trà, uống một ngụm, trà ấm, tôi nói, bố em có một đồng nghiệp, là giáo sư khoa Văn trong trường họ, trở về từ Mỹ, lúc em còn bé, bọn em thường hay tụ tập, ngâm thơ Whitman, nghe đĩa nhạc. Anh ấy nói, ừm. Tôi nói, vào lúc “Cách mạng văn hóa”, chú ấy bị Hồng vệ binh đánh chết, có người dùng ván gỗ còn đinh đánh lên đầu chú ấy, một phát xuyên qua đầu. Anh ấy bảo, đều là chuyện đã qua, bây giơ không được làm thế nữa. Tôi nói, mấy Hồng vệ binh khi ấy tập hợp ở quảng trường Cờ Đỏ ca hát, chia quân làm hai, một đội tới nhà em, một đội tới nhà chú ấy. Tới nhà em, đánh bố em điếc tai, tịch thu hết sách, tới nhà chú, đánh chết chú ấy, thấy mạng người, chưa lục soát nhà đã chạy luôn. Anh ấy bảo, ừm, chuyện thế này không chắc chắn. Tôi nói, chuyện này về sau em mới biết, là sau khi kết hôn, sau khi sinh Tiểu Thụ. Anh ấy nói, ừm. Tôi nói, kẻ đánh chết người chú kia của em, là Trang Đức Tăng. Anh ấy không nói gì mất một lúc, lại đứng xuống đất, bảo, cô giáo Phó không nên nói lời này với tôi. Tôi nói, em nói xong rồi. Anh ấy bảo, chuyện quá khứ và hiện tại không liên quan, con người đã thay đổi, ăn, uống, đi vệ sinh, trao đổi chất, đã biến thành người khác, phải nhìn vào cái tốt của người ta, hiện giờ không thể nói lão Trang như thế. Tôi nói, em biết, chuyện này em biết. Anh ngồi xuống được không? Anh ấy bảo, không được, tôi phải đi đón Tiểu Phỉ rồi. Cô nên đối xử với Tiểu Thụ tốt hơn, ngày tháng của mình tự mình sống. Tôi nói, anh không ngồi xuống được phải không? Anh đi qua đi lại thế này, em rất khó chịu. Anh ấy bảo, không được, không kịp nữa rồi. Bất luận thế nào, cả đời này tôi và Tiểu Phỉ đều cảm kích cô, sẽ không quên cô, nhưng sau này ai sống đời người nấy, đều phải khiến những tháng ngày của mình mạnh mẽ hơn bất cứ ai. Con người phải nhìn về phía trước, về già quay đầu nhìn lại phía sau, quá mệt mỏi, không đáng. Có câu nói sau gáy không mọc mắt là chuyện tốt, nếu mắt mọc sau gáy, sẽ không thể đi đường được nữa.
Tháng ngày vang lên “tích tắc”, đi về phía trước. Tôi ở lại. Nhìn tất cả đều “tích tắc” đi về phía trước, chẳng còn thấy lão Lý và Tiểu Phỉ nữa, bọn họ cũng đi rồi.
____________________
El: Các bạn còn nhớ câu chuyện “Bác sĩ ở huyện” má Phó kể ở phần đầu không?