Trang Thụ
Cuối cùng tôi và đội trưởng Triệu vẫn quyết định tới chỗ mẹ Tưởng Bất Phàm một chuyến, dù có là một cái giếng cạn thì cũng phải đi xuống lần tìm thử. Chúng tôi đã điều tra hai mẹ con bị bỏng trong vụ việc, không có hiềm nghi gì, người phụ nữ là mẹ đơn thân, thành tích học tập của cô con gái rất khá, hai mẹ con đã nhận được một khoản tiền quyên góp lớn, cô bé cũng hồi phục tốt hơn dự tính, hai người không hề có khả năng gây án, cũng không có động cơ gây án sâu xa, và cũng không có dây mơ rễ má gì với vụ án cũ. Ở chỗ Tôn Thiên Bác có thu hoạch nhất định, điều này làm đội trưởng Triệu phấn chấn. Thu hoạch chính là không có thu hoạch. Phòng khám của Tôn Thiên Bác cực kỳ sạch sẽ, không dính một hạt bụt, bệnh án, cờ thưởng, bao cát, kim châm cứu, thảo dược, giường đều ở vị trí chính xác, còn có hai chậu hoa nhài châu Phi cao bằng người. Bệnh án chỉnh tề mười mấy tập, có nét chữ của hai người, phần đầu viết khá là lộn xộn, chữ viết về sau thanh thoát, nắn nót và chỉn chu, bệnh sử cũng được viết rất tỉ mỉ. Đi ra từ trong đó rồi về xe, đội trưởng Triệu bảo, thú vị, tay họ Tôn này cứ như chẳng có tật xấu gì cả. Tôi nói, đúng, quá là chỉn chu. Anh ấy bảo, nói suy nghĩ của em xem nào. Tôi nói, phải tóm được thằng cha này. Đội trưởng Triệu bảo, ừ, bắt người thì không cần đến hai đứa mình, để trong cục làm. Để anh gọi điện. Anh ấy gọi điện thoại xong, hai người bọn tôi ngồi hút thuốc trong xe, tôi nói, Tưởng Bất Phàm có để lại thứ gì không? Anh ấy bảo, có, quần áo anh ấy mặc khi đó, mẹ anh ấy đều giữ lại, bên trên vẫn còn máu không giặt. Bà ấy bảo đấy là máu của con trai bà, không bẩn. Mấy lần chuyển nhà đều mang theo. Tôi nói, đội trưởng Triệu, em muốn xem thử. Anh ấy bảo, đi thôi.
Mẹ Tưởng Bất Phàm ở cùng với con gái lớn ở khu Sa Sơn phía tây, thuộc vùng giáp ranh giữa ba khu vực hành chính, phát triển tương đối chậm, cả ba khu đều muốn quản, cuối cùng lại chẳng có ai quản. Có một mảnh đất ở địa phương muốn khai phá, đã dỡ bỏ nhà mái bằng, đào một cái hố lớn, mà mãi vẫn chưa xây gì. Mười năm trôi qua vẫn là một cái hố lớn, nên nơi đó còn được gọi là hố lớn Sa Sơn. Con gái lớn của bà mở một quán đánh mạt chược bên cạnh hố, không lớn, sáu bàn, một gian bếp nhỏ, người đến chơi có thể gọi hai món cơm rang hoặc mì xào. Lúc chúng tôi đến, con gái bà đang đi đón con, mẹ Tưởng tự trông quán, bà ngồi bên một cái bàn, vừa cắn hướng dương vừa nói chuyện với một ông già trong đó. Ông già nói, lương hưu năm nay thêm trăm rưỡi, đúng là tốt, chết rồi còn được mặc thêm cái quần cộc. Đội trưởng Triệu nói, bác gái, không chơi ạ? Bà quay đầu lại bảo, Tiểu Đông tới đấy à. Bác bưng hoa quả cháu mua cho lần trước lên, bà bảo, già rồi, không ăn được mấy miếng, lần sau đừng mua nữa. Đội trưởng Triệu nói, đây là Tiểu Trang. Bác cháu mình vào phòng trong nói chuyện. Bà bảo, sao thế? Bắt được người rồi à? Bốn người trên bàn lập tức ngước mắt nhìn chúng tôi, đội trưởng Triệu nói, chưa, nói chuyện phiếm chút, mấy hôm rồi chưa tới. Mọi người, nên hòa thì cứ hòa, đừng đợi nữa, đôi Ngũ Vạn chết rồi. Mấy ông bà già cười, tiếp tục đánh bài.
Quần áo của Tưởng Bất Phàm đúng là ở đây, một chiếc jacket màu nâu, một chiếc áo len màu lam đậm, một chiếc sơ mi màu xám, một chiếc áo ba lỗ màu trắng, một chiếc quần Âu màu đen, một chiếc quần lông màu xanh nước biển, một chiếc quần chẽn màu xám, một chiếc quần lót tam giác màu xám. Mẹ Tưởng cuộn chúng lại trong một chiếc túi đựng quần áo, trông như một hộp điểm tâm. Đội trưởng Triệu nói, để xem nào. Mẹ Tưởng bảo, sức khỏe bác càng ngày càng không tốt, ngày giỗ năm nay của Tiểu Phàm, bác sẽ đốt mấy thứ này cho nó, bác chết rồi sợ là người ta sẽ vứt đi mất. Đội trưởng Triệu nói, vâng, chúng ta nhìn lại một cái. Tôi lật từng món quần áo lên kiểm tra một lượt, không có gì cả, vết máu đã hóa đen, đồ trong túi chắc đã được lấy ra từ lâu. Tôi nói, em xem lại lần nữa. Đội trưởng Triệu nói, em đừng vội, đã đến đây cả rồi. Lần thứ hai tôi lộn trái quần, phát hiện túi quần bên phải bị thủng, tôi sờ dọc ống quần, phát hiện gấu quần có thứ gì đó. Gấu quần khâu gấp mép, có hai lớp. Tôi mượn cây kéo khều gấu quần ra, bên trong có một đầu thuốc lá. Tôi lấy đầu thuốc lá ra, giơ lên, trên đầu lọc viết hai chữ: Đồng Bằng. Tôi nói, bác gái, anh Tưởng năm ấy hút thuốc gì bác còn nhớ không? Bà nói, thuốc sản xuất hàng loạt nhỉ, bác từng mua cho nó, một ngày hai bao. Giờ không mua được nữa. Tôi quay đầu bảo với đội trưởng Triệu, phải không. Đội trưởng Triệu nói, ừ, anh cũng hút thuốc sản xuất hàng loạt, sau này không còn loại thuốc này nữa thì đổi sang Hồng Tháp Sơn, rồi lại sang Lợi Quần. Tôi đưa đầu thuốc lá cho anh, thế đầu thuốc lá này là của ai?
Trên đường về cục, hai chúng tôi dừng xe một lần, đi đến tiệm thuốc lá mua một bao Đồng Bằng mới sản xuất, mở ra mỗi người hút một điếu. Tôi nhìn bao thuốc, cảm thấy kỳ lạ, trên đó có một cô bé đang chơi “Galaha”, tuy tranh rất nhỏ, khuôn mặt không quá rõ ràng, nhưng cảm giác rất thân quen. Từ nhãn thuốc có thể thấy tay nghề rất tốt. Đội trưởng Triệu nói, hút rất thích, năm đó cũng có loại thuốc lá này, nhưng không ngon, về sau không còn nữa. Tôi nói, không ngon? Anh ấy bảo, ừ, lại còn đắt, rất ít người hút. Chúng ta có thể tra thử, năm 95 loại thuốc lá này mới xuất hiện trên thị trường, người hút còn ít hơn. Tôi nói, thế thì rõ ràng rồi. Anh ấy bảo, ừ, lão Tưởng vẫn là lão Tưởng, tiếc là bao nhiêu năm nay chúng ta không hề biết trong túi anh ấy có đồ. Tôi nói, không trách anh được, cái túi đó thủng mà. Anh Tưởng ở trên xe xin hung thủ một điếu thuốc, phát hiện người hút loại thuốc này không nhiều, nên hút xong bèn cho đầu mẩu thuốc vào trong túi. Anh ấy bảo, may mà bà cụ chưa đốt quần áo đi. Nếu không lão Tưởng chết uổng rồi. Tôi nói, không đâu, không có ai phải chết uổng cả.
Hôm sau đội trưởng Triệu mở một cuộc họp, anh ấy không hề thông báo chuyện đầu thuốc lá vì dính đến sơ suất trong quá khứ, đợi tra ra kết quả rồi nói vẫn chưa muộn. Anh ấy chủ yếu nhắc đến hai việc: một là phải theo dõi sát sao phòng khám Đông y nhà họ Tôn, hai mươi tư giờ không được gián đoạn; hai là phải tìm ra tung tích của mẹ Tôn Thiên Bác càng sớm càng tốt. Theo sát một tuần, phòng khám nhà họ Tôn không có động tĩnh gì, không có bệnh nhân đáng ngờ, Tôn Thiên Bác cũng không có khuynh hướng trốn chạy, nhưng đã tìm được mẹ của Tôn Thiên Bác. Bà tên Lưu Trác Mỹ, hiện tại đang mở một quán ăn nhỏ bán đồ Tứ Xuyên cạnh khu đông đường vành đai 4 quận Triều Dương, Bắc Kinh, bán mỳ, dạ dày hấp cay, gỏi cay. Ông chủ là người Tứ Xuyên, năm đó đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đẩy một chiếc xe con rộng hai mét vuông xung quanh dán ni lông, bên trong có một cái nồi, quanh năm nấu canh bầu bốc khói nghi ngút, bà thường ăn Malatang trên xe của ông ta, sau đó Tôn Dục Tân bị cho thôi việc*, bà liền bỏ đi đẩy xe với ông ta. Tôi và đội trưởng Triệu lập tức bay đến Bắc Kinh ngay trong đêm, khi ấy Bắc Kinh đang tổ chức Thế vận hội, tất cả đều lộn xộn, hai cảnh sát ngoại tỉnh chúng tôi cũng bị người ta kiểm tra đi kiểm tra lại một hồi. Lúc đến quán ăn kia đã là hơn mười giờ tối, trong quán không có ai, mấy nhân viên phục vụ vây quanh một nồi mỳ, vừa ăn vừa xem cái ti vi nhỏ treo trên góc tường, trên đó đang chiếu một nửa cái tổ chim, một đám lộn xộn, trông như bị hỏng mất một nửa. Chúng tôi cầm theo ảnh, trông thấy Lưu Trác Mỹ đang ngồi trên một trong những chiếc bàn phía sau đếm sổ sách, tay trái cầm một điếu thuốc. Mỗi lần lật một trang giấy, bà liền dùng tay cầm điếu thuốc nhấp một ít nước bọt, tóc hoa râm, thực ra đã từng hấp nhuộm, nhưng giữa màu nâu vàng vẫn có thể thấy đâu đâu cũng là tóc trắng mọc thành từng cụm. Sau khi chúng tôi nói rõ ý định, bà không hề hoảng hốt, còn bảo nhân viên tan làm sớm, nói muốn trò chuyện tâm tình với chúng tôi. Bà nói, đồng hương mà, mặc dù khẩu âm tôi đã loạn hết rồi, đồng hương vẫn là đồng hương. Chồng bà bước ra từ sau bếp, là một người đàn ông trung niên vóc dáng không cao, đi một đôi giày thể thao Anta, mũi giày đã rách toạc. Ông pha cho chúng tôi một ấm trà, bà nói, ông ấy về nhà trước được không? Đội trưởng Triệu nói, được, chủ yếu là hỏi bà chút chuyện. Bà bảo, thế anh về đi. Người đàn ông đó bước ra cửa nhưng không đi mà ngồi xổm ven đường, quay lưng lại với chúng tôi và hút thuốc. Đội trưởng Triệu nói, bà đi năm nào? Bà bảo, mồng 8 tháng 10 năm 94. Đội trưởng Triệu nói, kể xem có chuyện gì. Bà bảo, lão Tôn bị cho nghỉ việc, là tốp đầu tiên bị cắt giảm, ngày trước anh ta làm thợ mộc trong xưởng máy kéo. Sau khi nghỉ việc, anh ta muốn mở phòng khám, khi ấy được cho một khoản tiền thôn tính lao động**, nhưng tôi phản đối, thuê nhà, mua đồ phải bỏ vốn quá nhiều, mà tay nghề của anh ta quá là bình thường, nói không chừng mở phòng khám thật rồi có ngày bị người ta đóng cửa. Anh ta không làm, tôi lại không đưa tiền cho anh ta, sổ tiết kiệm nhà tôi ở chỗ tôi, anh ta bèn đánh tôi, quan hệ của tôi với anh ta luôn không tốt, anh ta suốt ngày đánh tôi, lại còn đánh mạnh. Khi ấy tôi rất thân với Tiểu Tứ Xuyên, tôi hỏi anh ấy, anh có muốn dẫn em đi không, em có ít tiền. Anh ấy bảo, em không có tiền bọn mình vẫn đi. Sáng mồng 8 tháng 10, là ngày nghỉ, lão Tôn không có nhà, tôi nấu sẵn cơm cho Thiên Bác, trông thằng bé ăn xong, tôi hỏi nó nếu một ngày mẹ không muốn sống cùng bố nữa, con đi theo mẹ hay đi theo bố. Nó nói, theo bố. Sau đó ăn cơm tiếp. Buổi chiều tôi cầm theo sổ tiết kiệm rồi chạy. Đội trưởng Triệu nói, kể rất rõ ràng, như vậy tức là ngày 24 tháng 12 năm 95 bà không ở quê nữa. Bà bảo, năm 95? Khi đấy chúng tôi đi làm ở Thâm Quyến. Đội trưởng Triệu liếc tôi một cái, nói, phòng khám của bọn họ giờ làm việc khá tốt, con trai cô khám bệnh, lão Tôn qua đời rồi. Bà không lộ vẻ gì, nói, từ ngày rời đi, tôi đã không còn quan hệ gì với họ nữa. Thiên Bác từ nhỏ đã là đứa trẻ có tâm lý vững vàng. Ngừng một lát, bà bảo, nó kết hôn chưa? Đội trưởng Triệu nói, chưa. Bà bảo, ừ. Bấy giờ tôi nói, khi ấy bà cầm hết tiền trong nhà đi? Bà bảo, phải, tiền thôn tính lao động của anh ta tôi cũng cầm tất, cho Thiên Bác mười đồng giấu trong túi. Tôi nói, thế ông ta lấy gì mà mở phòng khám. Bố mẹ cho được không? Bà bảo, không thể, bố mẹ anh ta mất lâu rồi, anh chị em còn khó khăn hơn anh ta. Tôi nói, thế ông ta lấy đâu ra tiền? Bà bảo, cái này sao tôi biết? Tôi nói, bà nghĩ lại giúp tôi xem. Bà ngẫm nghĩ rồi bảo, anh ta có người bạn vẫn luôn rất thân thiết, nếu vay được tiền thì chính là anh kia rồi, bọn họ quen nhau từ nhỏ, xuống nông thôn, về thành phố, làm trong công xưởng đều ở bên nhau. Người kia không tồi, là môt người vững vàng, không biết giờ đang làm gì. Tôi nói, ông ta tên là gì bà còn nhớ được không? Bà bảo, họ Lý, tên là gì nhỉ? Anh ta có một cô con gái, vợ chết rồi, một mình nuôi con gái. Tôi nói, bà nhớ lại xem, tên. Bà bảo, người đó hình như họ Lý, tên thì đúng là không nhớ nổi, cô con gái kia của anh ta rất trầm tính, thuộc được rất nhiều Đường thi Tống từ, nghe nói là hàng xóm dạy, lúc nhỏ tôi từng gặp con bé, cô bé đó tên là Tiểu Phỉ.
*, **Năm 1990, khi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cải cách, nhiều công nhân bị cho thôi việc, trên danh nghĩa vẫn ở trong đơn vị nhưng không có lương, tương đương với thất nghiệp (tình cảnh của Tôn Dục Tân giống với bố Lý Phỉ). Doanh nghiệp và người làm thuê sẽ thỏa thuận với nhau, báo lên các bộ phận liên quan phê duyệt, doanh nghiệp sẽ trả cho người lao động một số tiền nhất định trong một lần, từ đó giải trừ quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động.