Trang Thụ
Lúc lên thuyền, tôi thấy một chiếc thuyền con đang nổi giữa hồ. Tôi chèo thuyền về phía giữa hồ. Không phải ngày nghỉ, trên hồ chỉ có hai chiếc thuyền. Gió mùa thu mát rượi thổi qua, mặt hồ nổi những gợn sóng lăn tăn, như có thứ gì đó đang khẽ chấn động giữa hồ. Chèo thuyền lại gần, tôi trông thấy Lý Phỉ. Cô ấy mặc một chiếc áo bông đỏ, quàng khăn đen, quần bò, giày da màu nâu, buộc tóc đuôi ngựa. Dưới chân để một chiếc túi khoác vai màu đen, trên mặt túi có một đôi găng tay. Khi tôi chèo thuyền về phía cô ấy, cô ấy luôn nhìn vào tôi. Cô ấy vô cùng giống năm mười hai tuổi, dáng vẻ rất dễ nhận ra, chỉ là lớn hơn vài con số, còn có tóc bạc, trông như tơ liễu bị lẫn vào, nhưng không hề già. Đôi mắt vẫn giống hồi nhỏ, nhìn người ta không chớp mắt cứ như đang ngẩn người, thực ra đã nhìn thấy hết cả. Tôi nói, đợi lâu lắm rồi nhỉ. Cô ấy bảo, không có, chèo thuyền tới mất một lúc. Tôi cười cười, nói, chị chẳng thay đổi gì cả. Cô ấy bảo, cậu cũng thế, chỉ là có râu rồi. Đến gặp bạn cũ mà chẳng cạo râu. Tôi nói, giờ chị đang làm gì? Cô ấy bảo, sao cậu vừa tới đã hỏi vấn đề này? Cậu thì sao? Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, nói thật nhé? Cô ấy bảo, nói thật. Tôi nói, giờ em làm cảnh sát. Cô ấy thu lại nụ cười, mím chặt môi nhìn tôi, bảo, cũng tốt, công chức. Tôi nói, hồi bé em láo lắm nhỉ? Cô ấy im lặng một lúc, bảo, ừ. Tôi nói, giờ em đã trưởng thành, có thể bảo vệ người khác. Một lúc lâu sau nữa cô ấy không nói gì thêm, quấn lại chiếc khăn, một lát sau, cô ấy hỏi, cô giáo Phó khỏe không? Tôi nói, tốt lắm, sắp đi hết một vòng trái đất rồi. Cô ấy bảo, thế là rất tốt? Tôi nói, nói thật, em cũng không biết. Bà ấy luôn tìm chị. Cô ấy bảo, bảo bà ấy đừng tìm nữa, tôi chẳng là gì cả. Tôi nói, em không thấy thế. Nếu chị không vội, em kể cho chị bao nhiêu năm nay em đã làm gì. Cô ấy nói, cậu kể đi. Tôi bắt đầu kể, kể mình có bạn gái trong trường cảnh sát, cũng kể mình rất buồn sau khi chia tay, uống say rồi chạy như điên trên bãi tập, còn kể vì làm cảnh sát mà quan hệ với bố trở nên căng thẳng, kể một mạch đến hiện tại. Cô ấy nghe rất nghiêm túc, thi thoảng hỏi chen một câu, ví dụ như, con người cô ấy có thú vị không? Hoặc là, nghe không hiểu, tôi không học đại học, cậu giải thích lại cho tôi. Rất hiếm khi có được thính giả như vậy. Tôi kể xong, giống như vừa đi tắm rửa. Tôi nói, nhạt nhẽo nhỉ, chuyện của ngần ấy năm, chưa gì đã kể hết. Cô ấy bảo, không nhạt nhẽo. Để tôi kể thì một câu là kể xong. Tôi nói, lát nữa chị tự về hay chú Lý đến đón chị? Hay chú ấy đang trông ở gần đây? Cô ấy không nói gì. Tôi bảo, chú ấy đang bận gì à? Cô ấy không nói gì. Tôi bảo, mười hai năm trước, chú Lý giết năm tài xế taxi, cách đây không lâu lại giết hai quản lý đô thị, một người dùng búa hoặc cờ lê, một người dùng súng. Cô ấy không nói gì. Tôi bảo, tôi không nhờ chị giúp tôi, tôi muốn nhờ chị tự nhớ lại chuyện này. Cô ấy bảo, không cần thiết, chuyện này không cần cậu nhắc tôi. Tôi nói, chị nói cho tôi chỗ tìm chú Lý. Rồi lên thuyền tôi, chúng ta chèo về bờ, rồi chúng ta đi tìm cô giáo Phó. Cô ấy bảo, nếu không có chuyện này, cậu sẽ tới tìm tôi sao? Tôi nói, có lẽ là không, nhưng hôm nay tôi tới một mình, không ai biết tôi tới, vả lại chuyện này đã xảy ra rồi, tôi cũng đã tới tìm chị, đều không thể thay đổi được nữa.
Cô ấy nắm lấy mái chèo, lay nhẹ con thuyền về phía sau, kéo giãn một chút khoảng cách với tôi, bảo, thực ra tôi có thể nói, tôi không biết cậu đang nói cái gì, nhưng vừa nãy cậu rất thẳng thắn, tôi cũng có thể thẳng thắn với cậu, không ai nợ ai là tốt nhất. Thực ra nói vậy cũng không đúng, nên nói là, tôi nợ nhà các cậu, trả được chút nào hay chút ấy. Tôi nói, không phải, chuyện này và chúng ta… Cô ấy giơ tay, ý bảo bây giờ tôi không cần nói, tôi bỗng ý thức được ngần ấy năm không gặp, cô ấy quả thật đã có thay đổi không nhỏ ở một phần nào đó. Cô ấy nói, mấy vụ án taxi năm 1995 không liên quan đến bố tôi, tin hay không tùy cậu. Một phần tiền của bố tôi cho chú Tôn mượn, sau đó ông ấy bán toàn bộ tem phiếu thời “Cách mạng văn hóa” ông dành dụm từ nhỏ, để tôi có học phí. Nhưng chuyện hôm 24 tháng 12, tôi và bố tôi đúng là có mặt. Người đó bắn một phát súng vào bố tôi, má trái ông bị bắn rách. Tôi bảo, ừm. Cô ấy nói, một chiếc xe tải đã húc văng chiếc xe tôi đang ngồi. Cậu biết không? Tôi bảo, biết. Cô ấy nói, sau đó người kia ngã xuống, bố tôi mặt đầy máu kéo tôi ra từ đầu xe, khi đó tôi không ngất, chân không còn cảm giác, nhưng đầu rất rõ ràng. Ông ấy nhìn chân tôi, đặt tôi bên lề đường, chạy lại lấy gạch đập vào đầu cảnh sát kia. Tôi nói, ừ, là trình tự này. Cô ấy bảo, sau đó tôi nói với ông, Tiểu Thụ đang đợi con. Rồi tôi ngất mất.
Lần này đến lượt tôi im lặng, nhìn vào mắt cô ấy, cô ấy không chớp mắt một cái, nhìn tôi, hoặc là không nhìn tôi.
Rồi cô ấy nói, bố tôi không biết gì cả, ông ấy tưởng tôi bị đau bụng thật. Khi ấy trong cặp sách của tôi có một chai xăng, ngày trước bố tôi lấy về từ xưởng để lau kính. Tay cảnh sát kia chắc đã ngửi thấy. Đêm Giáng sinh hôm ấy, ban ngày tôi luôn nghĩ có nên đi hay không, vì tôi có linh cảm, cậu sẽ không đến. Nhưng đến tối tôi vẫn quyết định đi, nhưng tôi thật sự không nghĩ ra cách, cậu nói cậu luôn có cách, nhưng tôi không nghĩ ra. Phòng khám của chú Tôn rất gần bãi cao lương kia, tôi có thể nghĩ cách xuống xe, chạy tới dùng xăng đốt cho cậu một đám pháo bông, một đám lửa làm thành cây thông Noel, cháy lên cao thật cao. Tôi đã hứa với cậu.
Tôi nói, giờ ở đó không còn bãi cao lương nữa.
Cô ấy nói, hôm đó cậu có đến không?
Tôi nói, không.
Cô ấy nói, cô giáo Phó không cho cậu đi à?
Tôi nói, không phải. Tôi quên mất.
Cô ấy nói, cậu làm gì mà quên?
Tôi ngẫm nghĩ rồi nói, cũng quên rồi.
Cô ấy gật gật đầu.
Tôi nói, khi ấy chúng ta đều là trẻ con, giờ chúng ta đã trưởng thành cả rồi, phải không.
Cô ấy nói, cậu trưởng thành rồi, rất tốt.
Bấy giờ cô ấy chỉ vào cái túi khoác vai, bên trong có một khẩu súng ngắn, tôi không biết mình có biết dùng không. Tôi nói, không biết dùng tôi có thể dạy chị. Cô ấy nói, hồi nhỏ, cô giáo Phó từng kể cho tôi một câu chuyện. Rằng, nếu suy nghĩ của một người đủ chân thành, nước biển sẽ rẽ ra trước mặt bạn, để lộ ra một con đường khô ráo cho bạn bước qua. Không cần nước biển, nếu cậu có thể rẽ nước hồ này, tôi sẽ cho cậu lên thuyền tôi, đi với cậu.
Tôi nói, không ai làm được cả.
Cô ấy nói, tôi sẽ rẽ nước hồ này.
Tôi ngẫm nghĩ, nói, tôi không thể rẽ nước hồ, nhưng tôi có thể biến nơi đây thành đồng bằng, cho chị bước qua.
Cô ấy nói, không thể.
Tôi nói, nếu có thể thì sao?
Cô ấy nói, cậu sẽ qua đây.
Tôi nói, chị chuẩn bị xong chưa?
Cô ấy nói, tôi chuẩn bị xong rồi.
Tôi thò tay vào trong ngực, vòng qua khẩu súng của tôi, móc thuốc của tôi ra. Đó là Đồng Bằng của chúng tôi. Cô ấy ở trên đó, mười hai tuổi, nở nụ cười, không đi tất, nhìn lên lưng chừng trời. Bao thuốc trôi trên mặt nước, lớp ni lông trên đó tỏa sáng dưới ánh nắng, gió chiều phương bắc nhẹ nhàng thổi vào cô ấy, đi về phía bờ.
Hết.