Trang Thụ
Tuy rằng tôi đã hoàn toàn làm trái ý nguyện của bố tôi, thế nhưng ít nhiều thì ông vẫn giúp tôi chút đỉnh. Ông chặt đứt đường lui của tôi. Lúc mẹ tôi đi du lịch nước Anh, tôi đã đạt được một hiệp ước với ông, năm năm đầu tiên, trừ khi nghỉ việc, bằng không tôi sẽ không được xin ông tiền. Đây thực ra là một hiệp ước đơn phương chỉ có ý nghĩa với bố, vì trước nay tôi cũng vẫn nghĩ như thế, nhưng thời hạn tôi cho mình còn lâu hơn, lâu hơn rất rất nhiều so với thời hạn này. Tôi phải thừa nhận, quan hệ của tôi với bố mẹ khá là kỳ quặc, từ nhỏ tôi đã không gần gũi với mẹ, thời gian bà ở cùng với một đứa trẻ khác còn lâu hơn, ấy là hàng xóm của tôi khi còn bé. Vì tôi chẳng có hứng thú đọc sách, bà bèn dành thời gian bên đứa trẻ đó, dạy chị ấy đọc sách, dạy chị ấy tất cả những thứ bà cất giữ dưới đáy hòm, cuối cùng đến năm cô bé ấy mười hai tuổi, chúng tôi chuyển nhà, từ đó mất liên lạc, tôi từng đọc trộm nhật ký của mẹ (bà không hề giấu kỹ, tất nhiên bản thân bà thì không cảm thấy vậy), biết bao nhiêu năm, bà tốn không ít sức lực đi nghe ngóng tung tích của cô bé nọ, nhưng không có chút manh mối nào, cứ như thể trước nay chưa từng có một người như thế, những năm tháng hai người cùng nhau đọc sách trên kháng, bên chiếc bàn bệt vuông nhỏ dường như đã bị ai đó đưa tay phất một cái, rồi tan biến vào không khí. Sau này mẹ đem lòng yêu mến du lịch và sưu tầm, nhà chúng tôi có rất nhiều tranh, đồ gốm và đồ lưu niệm khi du lịch, bố tôi làm cho bà một gian phòng lớn chuyên để những món đồ này. Tác phẩm nghệ thuật đắt đỏ có một không hai, cùng với những con búp bê giá rẻ có thể phục chế mãi mãi trong khu du lịch được đặt cạnh nhau, trông cũng không có gì là không tự nhiên. Bố tôi khởi nghiệp từ việc in ấn bao thuốc lá, trong một khoảng thời gian nhờ việc vận hành khai thông nên thao túng được, máy in của ông không khác máy in tiền là bao, sau đó ông còn tiến vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ ăn uống, chăm sóc ô tô, sản phẩm mẹ và bé. Vào năm ba đại học, có lần tôi đi xem phim với con gái, lúc đang hôn nhau thì liếc thấy phần giới thiệu phim có tên ông trong số nhà sản xuất. Ông cả đời sạch sẽ, mẹ tôi nói gì nghe nấy, từ khi làm bao thuốc là liền cai thuốc. Ông rất ít khi nhắc tới bạn bè và đối thủ trong việc làm ăn ở nhà, tôi cảm thấy những người này ở trong lòng ông đều như nhau, họ cần nhau, cũng làm cho nhau mệt mỏi. Trong ấn tượng của tôi, dù đã uống đến say mèm, chỉ cần muốn về nhà, ông luôn tự mình tìm được đường về, điều kiện tiên quyết là mẹ tôi cũng phải ở nhà để đỡ ông. Mẹ tôi thường không nói gì ông cả, bà nấu cho ông bát mỳ, có những lúc ông vừa vào cửa đã gục, bà bèn kéo ông lên giường, sau đó đóng cửa lại. Bố tôi thường nói tôi nổi loạn, cũng thường nói tôi không giống hai người họ chút nào. Thực ra, tôi là kẻ điển hình nhất trong cái gia đình này, bướng bỉnh, nghiêm túc, kham khổ, lâu quên. Càng lớn lên càng là như thế, chỉ là họ không hiểu tôi thôi.
Trong một lần ẩu đả hồi cấp ba, là đứa cầm đầu, tôi đã chờ ở trại tạm giam một đêm, những đứa khác đều đi hết. Thực ra tôi cũng bị thương nhẹ, trên lông mày rách một vết nhỏ, anh dân quân trực ban đưa tôi một miếng băng cá nhân, ngồi ngoài chấn song nói chuyện với tôi. Em biết lưu manh sau này có lối thoát gì không? Anh nói. Tôi nhớ anh còn rất trẻ, râu có vẻ còn không dày bằng tôi. Tôi không nói gì, tự dán băng cá nhân lên bắt chéo trên lông mày. Anh nói, hoặc là thành kẻ thường xuyên tái phạm, hoặc là làm một người bình thường hơn cả những người bình thường. Tôi không nói gì, anh nói, em cho rằng mình trâu bò lắm sao? Tương lai em làm được cái gì? Tôi không nói gì. Anh bắt chân chữ ngũ, không ngừng bật chiếc bật lửa trong tay. Anh nói, em biết mỗi ngày cả nước có bao nhiêu cảnh sát phải chết không? Tôi không nói gì. Anh nói, anh đã xem hồ sơ của em rồi, cứ dăm ba bữa em lại vào đây, đều là ra mặt vì người khác, em nói xem tương lai em làm được cái gì nào? Đám bạn kia của em, sau khi em ra khỏi đây, đứa nào sẽ ngoái đầu liếc em một cái, đứa nào sẽ không lẩn lẩn rồi vội vàng chuồn mất? Tôi nói, đ*t mẹ mày, có ngon thì mày vào đây solo với tao. Anh nói, solo? Một phát súng của anh là bắn chết được em. Anh nổ súng không phạm pháp, em có biết nổ súng không? Em có biết cầm súng như nào không? Thằng ngu. Tôi thò tay ra ngoài chấn song, túm lấy quần áo anh, anh không hề cử động, quần áo bị tôi tóm chặt, anh nói, em sờ cho kỹ, đây gọi là cảnh phục, hôm trước có một thằng buôn ma túy chém chết cả bố lẫn mẹ mình, cướp được 600 tệ, bố nó lúc sắp chết còn chỉ cho nó tiền giấu ở đâu, để nó mau chóng chạy thoát, mày là cái thằng ngu dốt thối tha, mày dám không, mày dám động vào loại người như thế không? Nói cho mày biết, hôm nay bắt mày xong, ngày mai tao sẽ bắt thằng đó về, cái đám ngu đần thối tha chúng mày. Nói xong, anh bẻ quặt tay tôi, tôi cắn chặt răng không phát ra tiếng, buông cảnh phục của anh ra. Anh không hề quay đầu nhìn tôi, tôi nghe thấy tiếng anh mở cửa ra ngoài, sau đó đi xa.
Tôi luôn ghi nhớ dáng vẻ và mã số cảnh sát của anh, anh là cảnh sát dự bị. Một cảnh sát dự bị không có biên chế. Sau này tôi mới biết, anh cũng không có quyền sử dụng súng. Tầm hai năm sau, một người bạn của tôi vì làm người ta bị thương mà vào trong đó, tôi lấy ít tiền từ chỗ bố tôi tới trại tạm giam giúp cậu ta, năm ấy tôi mười chín tuổi, đang ôn thi lại đại học, mấy anh cảnh sát đều nhận ra tôi. Một anh trông thấy tôi bảo, mấy bữa rồi không tới, đi theo bố em làm ăn rồi hả? Tôi nói không phải, sau đó nói ra một mã số cảnh sát, còn có dáng vẻ của anh, hỏi anh có ở đây không, em muốn anh ấy gặp em, không hiểu vì sao mà tôi luôn ghi nhớ anh, mấy lần liền có người tìm tôi đi đánh nhau, tôi đều nhớ tới anh. Một người bảo, em tìm cậu ấy làm gì? Tôi nói không có gì. Hỏi chút thôi. Người kia bảo, cậu ấy bị người ta báo thù. Tôi nhìn anh ấy chằm chằm, chờ anh ấy nói tiếp, anh ấy bảo, chết ở tầng trệt nhà mình, bị người ta đâm chết từ sau lưng. Vợ thì đã nấu cơm xong xuôi cả. Nói xong, anh ấy nhận tiền của tôi, đi sang gian phòng khác, tôi muốn hỏi đã bắt được người chưa, nhưng mấp máy môi lại phát hiện cổ họng không phát ra được tiếng, có thứ gì đó mắc nghẹn ở nơi đó. Tôi làm xong việc, bạn tôi trông thấy tôi vừa cười vừa đi về phía tôi, tôi quay người đi mất.
Từ lúc thi vào trường cảnh sát đến khi tốt nghiệp khỏi trường, mẹ tôi không nói gì với tôi cả, nhưng trước khi tôi đăng ký dự thi, có một hôm mẹ tôi đột nhiên hỏi tôi, thật sự muốn làm cảnh sát? Tôi nói, vâng. Mẹ bảo, đừng thể hiện. Tôi nói, không phải. Mẹ bảo, vì sao muốn làm cảnh sát? Tôi nhớ ấy là một buổi sáng, hai chúng tôi đang ngồi bên bàn ăn uống sữa bò, mẹ uống một ngụm rồi đưa ngón tay nhẹ nhàng lau sạch bọt trắng bên khóe miệng, ngẩng đầu hỏi tôi. Tôi nói, con người sớm muộn sẽ phải chết đúng không? Mẹ bảo, ừ, sẽ phải chết. Tôi nói, muốn làm chút việc có ý nghĩa với người khác, cũng có ý nghĩa với mình, những việc như thế không nhiều lắm. Mẹ bảo, rất tốt. Sau đó không nói thêm gì nữa, cúi đầu tiếp tục uống sữa bò của mình. Sau đó bố tôi nói cho tôi, mẹ bảo với bố rằng, nếu tôi không thi được, thì để bố tôi tìm quan hệ, cho tôi học lên. Tôi chẳng biết bà dựa vào thứ tâm lý gì nữa. Có lẽ trong mắt bà, tôi làm chuyện gì đều không quan trọng, đều không phải loại người mà bà mong muốn. Bốn năm trong trường cảnh sát, bà chưa từng tới trường thăm tôi, cho dù là khi tốt nghiệp, tôi đã trở thành sinh viên tốt nghiệp loại ưu, đây có lẽ là chuyện chỉ đến một lần trong đời, thế nhưng bà vẫn không xuất hiện, ngược lại thì bố tôi đã lái xe tới trường, tham dự lễ tốt nghiệp của tôi, còn mời tôi đi ăn cơm, là cơm Tây. Ông nói mẹ tôi đã đi Nam Phi, ông không liên lạc được, nhưng mẹ tặng cho tôi một món quà. Là một bức tranh. Bên trên có một bé trai đứng giữa hai tảng đá làm thủ môn, một bé gái đang vung chân đá bóng qua đó. Tranh rất đơn giản, vẽ bằng bút chì trên một tờ giấy A4 bình thường, không đề tên, cũng không ghi ngày tháng.
Bữa cơm đó, bố tôi muốn thuyết phục tôi tới đơn vị trong thành phố ngồi phòng làm việc, làm công tác dân sự. Tôi từ chối, kết quả là bố tôi thanh toán hóa đơn trước, bỏ lại tôi bên bàn ăn và rời đi.
Sau khi đạt được hiệp ước với ông, nhân lúc hai người họ đi vắng, tôi đã về nhà một chuyến, nhặt nhạnh một ít đồ của mình, rồi chuyển vào ký túc xá do cục sắp xếp. Đơn của tôi đã được phê chuẩn, tôi trở thành cảnh sát hình sự thực tập. Trong nửa năm đầu, tôi tham gia vào mấy hoạt động tương đối nhẹ nhàng, khoảng thời gian đó tiến hành quét sạch đào phạm, tôi đi cùng mấy cảnh sát lâu năm tới bảy, tám tỉnh thành phố, trong thôn xóm, trên công trường, dưới trục mỏ, bắt những tên tội phạm giết người đã bỏ trốn mấy năm hoặc mười năm về. Không chút nguy hiểm nào. Tôi nhớ được trong số đó có một kẻ vừa lên từ dưới trục mỏ, trông thấy chúng tôi đang đợi hắn ta, bảo, tôi tắm rửa đã. Anh cảnh sát lâu năm nói, không kịp nữa rồi, xe đang đợi kìa. Rồi đi tới còng tay hắn lại. Đầu tóc hắn toàn là xỉ than, chọn bừa một đứa bạn chơi cùng tôi hồi thiếu niên trông cũng to khỏe hơn hắn nhiều. Hắn bảo, quay về nhìn vợ con một cái. Anh cảnh sát lâu năm nói, để bọn họ tới thăm mày đi. Trên đường tới sân bay, hắn chỉ nói có một câu, các anh mà tới sớm thì tốt, tôi đã chôn sống hai mẹ con nó rồi.
Tháng 9 năm 2007, tôi chính thức trở thành cảnh sát hình sự, ra ngoài làm nhiệm vụ tùy lúc có thể xin mang theo súng, nếu là trọng án thì có thể mang súng bất cứ khi nào. Tối mồng 4 tháng 9, một quản lý chấp pháp hành chính thuộc đại đội quận Hòa Bình uống chút rượu rồi đi xuyên qua công viên về nhà bị bắn, thi thể bị ném xuống hồ nhân tạo trong công viên. Cục cảnh sát hình sự thành phố mở một cuộc họp vận động, các thành viên cốt cán lại mở riêng thêm một cuộc họp phân tích tình tiết vụ án, đây là quản lý thứ hai bị tấn công trong tháng này. Người thứ nhất bị vật cùn đâm vào sau đầu, ngã ở cửa nhà mình rồi không dậy được nữa. Bởi vì thành tích tốt nghiệp của tôi cũng được, biểu hiện trong thời gian thực tập cũng khá, nên được cho phép dự thính trong cuộc họp phân tích. Súng là súng cảnh sát, đạn cũng là đạn cảnh sát, súng ngắn loại 64, 7.62 mm, đạn loại 64, 7.62 mm. Quản lý bị súng bắn cũng bị vật cùn đập vào sau đầu trước, từ giám định pháp y và phân tích hiện trường, cú đánh đó không trí mạng (nghi ngờ là búa hoặc cờ lê), ông bị thương chạy trốn, kẻ tấn công đuổi kịp bồi thêm phát súng. Tôi không quen quản lý đó, không cùng một đơn vị với ông, nhưng vẫn tham dự tang lễ. Bởi vì yêu cầu của phía trên, tang lễ tương đối đơn giản, di ảnh cũng không mặc đồng phục mà mặc thường phục, dáng vẻ nhìn qua rất nhẹ nhõm. Khẩu súng ngắn gây án có ghi chép điều tra, mười hai năm trước thuộc về một cảnh sát tên Tưởng Bất Phàm, đó là một lần hành động giăng lưới bất thành, hung thủ chạy thoát, anh thành người thực vật (không biết là may mắn hay là bất hạnh. Sau khi đầu anh bị đèn xe đập trúng, lại bị vật cùn nện vào), vì bị thương khi làm việc nên tất cả phí tổn do cục thành phố chịu trách nhiệm. Lúc bị thương anh vẫn chưa lập gia đình (dù đã ba mươi bảy tuổi), trước khi qua đời luôn do bố mẹ chăm sóc, năm 1998 tắt thở trên giường bệnh. Chưa từng tỉnh lại, cũng chưa từng để lại một lời nào. Một hậu quả khác của lần hành động ấy là khẩu súng ngắn cảnh sát loại 64, hai băng đạn tổng cộng mười bốn phát mà anh mang theo, đã biến mất.
Vụ lúc ấy là liên hoàn án vừa cướp vừa giết tài xế taxi, vẫn chưa phá được án, nhưng sau khi Tưởng Bất Phàm xảy ra chuyện, loạt vụ án này theo đó cũng bị đình chỉ. Còn hai vụ án tấn công quản lý đô thị này thì có liên hệ bên trong, vì hai quản lý đô thị này khá là nổi tiếng. Trong một lần chấp pháp hành chính vào tháng trước, bọn họ có tịch thu nồi cơm của một người phụ nữ, trong lúc tranh chấp, đứa con gái mười hai tuổi của người phụ nữ ngã vào bếp than, mặt bị bỏng nặng, sợ rằng sẽ để lại một vết sẹo lớn. Hai người vì thế mà đăng lên báo lên mạng cùng các phương tiện truyền thông, còn xác định với bộ phân liên quan là cô bé tự ngã, mẹ cô bé chịu trách nhiệm chính, hai người không có sơ suất quá lớn, cảnh cáo nội bộ, giữ lại làm việc tiếp.
Trong lần họp phân tích tình tiết vụ án lần thứ hai, sương mù giăng đầy cuộc họp, đại đội trưởng phụ trách vụ án này tên Triệu Tiểu Đông, có tham gia vào hành động câu cá năm ấy, khi đó vợ anh ấy mang thai chờ sinh, con anh giờ đã mười hai tuổi, đang học lớp sáu, còn chiến hữu Tưởng Bất Phàm của anh không có con nối dõi, đã chết gần mười năm. Bố Tưởng đã qua đời, chỉ còn một người mẹ già sống ở nhà con gái. Năm nào anh cũng về mấy lần, hoặc ít hoặc nhiều, mang tới một chút đồ trong cục phát. Anh bảo, không ngờ vụ án đã chết trong quá khứ lại có sức sống thế. Nếu trước khi về hưu vẫn không phá được vụ án này, sau khi về hưu anh sẽ tự mình điều tra, nếu trước khi anh chết vẫn không phá được, anh sẽ cho con trai mình làm cảnh sát phá án tiếp. Phòng họp im phăng phắc, tôi tin rằng hầu hết mọi người một mặt đang nghĩ vụ án này sao lại khó thế, bây giờ chỗ nào cũng có camera, thế mà trong vụ án này lại hoàn toàn vô dụng, mặt khác nghĩ, trong hai khẩu súng kia còn nhiều đạn.
Từ sau khi tham gia công tác, đây là lần đầu tiên tôi chủ động phát biểu, tôi nói, lãnh đạo, các vị, em là người mới, em nói mò mấy câu, mong mọi người sửa lại cho. Đội trưởng Triệu bảo, không cần khách sáo, nói. Tôi nói, em đã xem hồ sơ năm ấy, cũng đã xem ảnh chụp hiện trường trong hồ sơ, còn tới hiện trường xảy ra sự việc. Đội trường Triệu ngắt lời tôi bảo, đi lúc nào? Tôi nói, hôm qua, tham gia tang lễ quản lý xong, ngồi xe bus đến. Đội trưởng Triệu bảo, ai kêu cậu đi? Tôi nói, tự em muốn đi xem thử. Đội trưởng Triệu bảo, nói tiếp đi. Tôi nói, bãi cao lương năm ấy giờ đã phủ đầy nhà lầu, bán 7000 tệ một căn, con đường đất kia đã biến thành đường nhựa bốn làn xe. Bãi cỏ chỗ Tưởng Bất Phàm được phát hiện giờ là siêu thị Walmart. Địa hình trên ảnh chụp không còn nhìn ra được chút nào hết. Đội trưởng Triệu bảo, mẹ kiếp cậu định làm môi giới bất động sản à? Tôi nói, không có ý đó, em đã tra báo chí năm đó, hơn nữa đã hỏi người xung quanh, có một phát hiện, cách địa điểm xảy ra sự việc năm đó hai trạm xe về hướng đông có một phòng khám tư, là Trung y, mười hai năm trước ở đó, giờ vẫn còn. Em chờ trước cửa phòng khám nửa ngày, hỏi được một bệnh nhân lớn tuổi đi ra từ trong đó, ông ấy bảo em thầy thuốc Tôn Dục Tân ở đấy ngày trước từng là công nhân, sau khi về quê thì đi theo một ông lang băm học ít thuốc Bắc, năm 1994 nghỉ làm, năm sau tự mở một phòng khám, không ngờ vẫn mở đến giờ. Mùa xuân năm 2006 ông ta bị ung thư tuyến tụy qua đời, giờ người khám bệnh là con trai ông ta Tôn Thiên Bác.
Tất cả mọi người đều nhìn tôi, đội trưởng Triệu bóp điếu thuốc trong gạt tàn, trừng mắt nhìn tôi bảo, nói tiếp. Tôi nói, vụ án năm đó một chết một bị thương, người chết là Tưởng Bất Phàm, bị thương là tài xế xe tải Lưu Lỗi, khi đó trán ông ta đập vào bánh lái, chảy rất nhiều máu và ngất xỉu, không nhìn thấy gì cả, chỉ nhớ đột nhiên trông thấy một cái đuôi xe màu đỏ, mà trước tai nạn, ông ta thuộc nhóm mệt mỏi khi điều khiển phương tiện, theo như lời ông ta thì trước mắt chỉ có đêm tối, nên ông ta còn chẳng tính là nhân chứng mục kích. Trong taxi có vết máu, khi ấy cũng đã xét nghiệm, không phải của Tưởng Bất Phàm, suy đoán là thuộc về hung thủ, nhưng vị trí Tưởng Bất Phàm bị mảnh vỡ xe đập trúng là ở ngoài xe, nên em có một phỏng đoán, ngoài hung thủ và Tưởng Bất Phàm, trên taxi còn có một người khác. Đội trưởng Triệu nói, cậu tên là gì? Tôi nói, em tên Trang Thụ. Anh ấy bảo, Tiểu Trang, từ hôm nay, cậu theo vụ án này, chào hỏi mọi người trong đây một tiếng. Tiếp tục nói. Tôi nói, người kia vẫn ở trong xe sau khi Tưởng Bất Phàm và hung thủ rời xe, ngồi ở ghế phụ lái, sau khi xe tải đâm phải taxi, xe lật úp xuống ven đường, hắn bị thương nặng. Sau khi Tưởng Bất Phàm ngã xuống, hung thủ lấy mất khẩu súng ngắn của Tưởng Bất Phàm, cứu người đó khỏi xe, rời khỏi hiện trường. Điều này có thể giải thích vì sao khẩu súng ngắn Tưởng Bất Phàm giấu trong xe cũng bị lấy mất, nếu trong xe không có người, sao hắn phát hiện ra khẩu súng ngắn đó được? Đội trưởng Triệu đứng dậy nói, ý cậu là bọn chúng đã đến phòng khám kia? Tôi nói, em chỉ đoán thôi, sợ đánh rắn động cỏ, không dám vào phòng khám điều tra, nhưng em cảm thấy có khả năng này.