Trang Đức Tăng
Có một mùa hè, cụ thể là năm nào thì không nhớ rõ lắm, mấy năm đó nhoáng cái đã qua rồi, như thể tất cả chỉ là một năm vậy. Chắc là tầm khoảng lúc chuyển giao thiên niên kỷ, tôi đang bàn chuyện ở Bắc Kinh thì nhận được một cuộc điện thoại, đầu kia điện thoại nói, trưởng xưởng Trang, bọn họ muốn phá tượng chủ tịch*, cậu nghĩ cách đi. Đó là một ông công nhân đã về hưu trong xưởng, khi đó tôi tiếp quản xưởng đã nhận tất cả những người này cùng một lúc. Tôi bảo, chủ tịch nào? Ông ấy bảo, chủ tịch ở quảng trường Cờ Đỏ, cái cao sáu mét ấy, ngày mai là phá bỏ rồi. Tôi biết tượng chủ tịch đó, lúc bé nhà tôi rất gần chỗ ông ấy. Ông luôn đưa một tay ra, bên má toàn là thịt, nụ cười tươi niềm nở, giống như đang với lấy thứ gì đó. Vào mùa hè và mùa thu, chúng tôi thả diều ở xung quanh ông, mùa đông thì vây quanh ông đánh cù băng**. Tôi bảo, phá để làm gì? Ông ấy nói, muốn thay bằng một con chim. Tôi bảo, một con chim? Ông ấy nói, phải, gọi là chim mặt trời, là tác phẩm điêu khắc màu vàng, nghe nói do người nước ngoài thiết kế, cao hơn chủ tịch hai mét. Tôi bảo, cháu không phải bí thư thành ủy, tìm cháu vô dụng, người sống thì đừng đọ sức với người chết, ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe đi, không thì lương hưu của chú sẽ hết đấy. Nói xong tôi cúp điện thoại.
*Tượng chủ tịch Mao Trạch Đông.
**Chơi con quay trên mặt băng, một trò chơi phổ biến ở trẻ em miền Bắc những năm 1960.
Ngày hôm sau tôi bay về nhà, buổi tối ra ngoài tiếp đãi một nhóm người, đi đến tận khuya, bèn ngủ lại ở nhà tắm*, lúc tỉnh dậy đã là giữa trưa, những người tới cùng tôi đã đi cả. Tới quầy lễ tân, cô gái tiếp tân bày ra một đống hóa đơn, tôi thanh toán từng cái một, gọi điện thoại kêu tài xế tới đưa tôi về nhà. Đi được nửa đường, tôi xuống xe nôn một trận, rượu trong dạ dày từ đêm qua ào ra, như dung nham hun nóng thực quản. Có một nhóm người già mặc đồ lao động, xếp thành hình vuông đi giữa đường, không tính là chỉnh tề, nhưng lại im ắng không nói năng gì. Tài xế nói, chuyện gì thế nhỉ? Chạy tới đây tập luyện thể thao à? Tôi cũng bực bội khó hiểu, xua xua tay, lên xe ngồi ghế sau, tới cửa nhà thì tôi bỗng nhớ ra, là chủ tịch, bọn họ chạy tới đưa chủ tịch đi. Tôi để tài xế đi trước, ngồi một mình trên lề đường một lúc. Tôi nhìn ống quần mình, sạch sẽ, giày da, sạch sẽ, ngay mấy năm trước, tôi mặc quần tây với giày da đi trên đất ở cao nguyên Vân-Quý, giày da mấy hôm đã há mõm, ống quần tây luôn bị đất vàng trét kín. Tôi đưa tay lên xem đồng hồ, giờ này Trang Thụ đang đi học ở trường, Phó Đông Tâm chắc là đang ngủ trưa. Từ sau hồi nàng từ chức, giấc ngủ trưa của nàng trở nên dài cực kỳ, như thể công việc một ngày chủ yếu là ngủ. Tôi đứng dậy, chặn một chiếc taxi, nói, tới quảng trường Cờ Đỏ.
*Nơi giải trí cung cấp dịch vụ tắm, phòng khách, spa, thể thao, cờ bạc…
Tài xế taxi ngồi trong lồng phòng hộ, đội một chiếc mũ màu xám, mặc đồng phục tài xế. Kỳ lạ là anh ta còn đeo một chiếc khẩu trang, mà lúc đó là giữa trưa tháng tám, mặt trời chói chang trên cao. Tôi nhìn một cái vào gương chiếu hậu trước mặt anh ta, đôi mắt anh ta cũng đang ở trong đó, cũng đang nhìn tôi. Một bên khóe mắt đột ngột cong xuống. Tôi liền rời mắt đi.
“Quảng trường Cờ Đỏ?” Một tay của anh ta đặt trên hai chữ “xe trống”, tôi nói, ừ. Ngón tay anh ta ngoắc một cái, tấm biển lật ngược, “xe trống” lập tức biến mất. Sau hai lần dừng xe là đã trông thấy cánh tay to lớn trơ trọi của chủ tịch, đường bỗng nhiên bị tắc, thì ra những ông lão nhìn thấy vừa rồi chỉ là một trong nhiều nhóm, trước mặt là một nhóm xếp hàng hình vuông đang chậm rãi đi qua giữa đường. Điểm khác biệt là họ mặc quần áo lao động có màu sắc và kiểu dáng khác. Tài xế gác nửa cánh tay ra bên ngoài cửa xe, nhìn ông già trước mặt, không ấn còi cũng chẳng làm gì khác, chỉ nhìn một cách thờ ơ. Tôi nói, cũng nhàn nhã đấy. Anh ta bảo, ai? Tôi trỏ trỏ lên phía trước. Anh ta bảo, thế anh đi làm gì? Tôi ngẩn người, nói, tôi đi làm việc ở gần đấy, không liên quan đến chủ tịch. Anh ta gật đầu, bảo, cũng phải, anh không mặc đồ đi làm. Tôi lại ngẩn người, nói, hai ta quen nhau à? Anh ta bảo, không quen. Anh có ý gì? Tôi nói, không có ý gì cả, tôi chỉ thấy câu đầu là lạ, hình như chúng ta từng gặp nhau. Anh ta bảo, anh là người làm công chỉnh tề, tôi là người bán chân tay, anh đừng đề cao tôi thế. Tôi nhất thời nghẹn họng, chắc là tối qua uống nhiều quá nên đầu óc không được thấu đáo.
Cuối cùng cũng rề rà tới vòng xuyến quanh quảng trường, anh ta nói, anh tới đâu. Tôi vừa xoay về phía quảng trường vừa bảo, anh đi vòng qua vòng xuyến. Anh ta nói, anh không trông thấy đường tắc hết rồi à? Tôi bảo, việc anh anh cứ đi, làm lỡ mất thời gian của anh thì tôi đền anh tiền. Anh ta nói, ồ, tiền là bố đẻ ra anh. Tôi hơi bực rồi, bảo, sao con người anh lại nói chuyện như thế hả? Anh ta nói, tôi là lái xe, không phải người ở anh thuê, anh xuống đi. Tôi nhìn gương chiếu hậu, anh ta không nhìn tôi mà đang cẩn thận tránh cái đuôi xe lắc lư phía trước. Cái gương mặt đầy sẹo này. Loại người như vậy không lắm mồm, mà cứng đầu lại nóng nảy. Một khi tôi xuống xe rồi, muốn bắt xe về cơ bản là không thể, tất cả các giao lộ đều đã bị chặn ngang, còn có những ông già không ngừng lách qua khe hở giữa các xe để đi về phía quảng trường, y như nước chảy vậy. Tôi bảo, trời nóng, chúng ta đừng vội, anh vòng một vòng giúp tôi rồi tôi về bằng đường cũ. Anh ta không nói gì, bắt đầu đánh lái vào vòng xuyến, nhìn qua cửa xe, tôi trông thấy trên quảng trường Cờ Đỏ chật ních toàn người là người. Máy trục và xe nâng của đội thi công dừng lại trong một góc, mấy dân quân xách theo cái loa lớn, không hô hào mà đang uống nước. Các ông già ngồi dưới nắng, mái tóc bạc của mấy ông tỏa ra ánh sáng lành lạnh, có một ông trông có vẻ đã bảy mươi tuổi, cầm một cái que gỗ đứng dưới vạt áo chủ tịch, đang chỉ huy các ông già ca hát. Bên tay phải ông có một ông lão khác ngồi trên ghế xếp, tay cầm phong cầm, miệng ngậm điếu thuốc, thi thoảng lại nhếch khóe miệng lên lấy hơi. “Trên núi vàng Bắc Kinh hào quang tỏa bốn phương, chủ tịch Mao chính là vầng thái dương ánh vàng kia, ấm áp biết bao, hiền từ biết bao, chiếu sáng trái tim nông nô vùng dậy. Chúng ta cất bước đi trên con đường xã hội chủ nghĩa hạnh phúc thênh thang, ôi, ba trát hắc*.”
*Đây là bài dân ca Tây Tạng có tên “Trên núi vàng Bắc Kinh”, rất phổ biến vào những năm 60 thế kỷ trước khi Tây Tạng giải phóng. “Ba trát hắc” là một thán từ trong tiếng Tây Tạng, bắt nguồn từ thần chú của Bồ tát Đại thế chí, ý nghĩa rất sâu sắc, bình thường được dùng để cảm thán hoặc khen ngợi về trí tuệ và sức mạnh.
Trên cổ chủ tịch quàng dây thừng, bốn đầu dây rủ trên đất, đung đưa theo gió. Mấy công nhân ngồi trong bóng râm phía sau, đang nói chuyện phiếm. Dường như khung cảnh trước mắt này chẳng liên quan gì đến họ, đợi họ huyên náo xong, động ngón tay là chủ tịch sẽ đổ. Tôi nhớ tới khi còn bé, tôi với mấy thằng nhóc ngồi đúng ngay chỗ của họ, nhìn vào phía sau đầu chủ tịch. Một đứa nói, mày bảo đầu chủ tịch thật sự lớn thế này? Một đứa khác nói, linh tinh, đầu lớn thế chẳng phải là quái vật? Anh nó lập tức cho nó một phát vào mồm, mẹ mày nữa, đã trông thấy chủ tịch chưa? Mồm là cái giẻ rách hả? Lúc bấy giờ tôi ngẫm nghĩ, nếu đầu chủ tịch mà to như vậy, thế thì mũ bộ đội của ông có thể đổi thành bao nhiêu chiếc như chúng tôi đội, quần bộ đội của ông có thể đổi thành bao nhiêu cái như chúng tôi mặc? Tôi lại nghĩ, không phải, đầu chủ tịch chắc là cỡ bình thường thôi, có lẽ to nhưng cũng không thể to như thế. Lúc tiếp kiến Hồng vệ binh, đầu ông không to hơn đầu Hồng tiểu tướng là bao, nếu đầu ông thật sự to đến vậy, thì đầu của hàng ngàn hàng vạn Hồng vệ binh không phải cũng to như thế à? Sao có thể thế được, vì người chỗ họ từng đi qua trường bọn tôi, đầu cũng chỉ to như đầu tôi thôi.
Dòng xe chậm rãi dịch chuyển về phía trước, tài xế và hành khách trong xe, dù là xe riêng, xe chở hàng hay taxi, đều có đủ thời gian trông ra quảng trường. Mọi người nghiêng đầu nhìn nhóm người già nọ. Đã lâu lắm rồi tôi chưa quay về, sau khi chuyển đi gần như chưa từng quay về. Công trình đó giống như cây đại thụ nơi cố hương tôi vậy, nếu mà tôi có cố hương. Trên đó từng có chim xây tổ, đêm đêm đều bay về, phân chim còn từng rơi trúng đầu tôi. Có rất nhiều đêm, tôi trẻ trung phơi phới, rảnh rỗi thảnh thơi, bèn ngồi nơi đó ngắm trời chiều buông xuống. Khoảng thời gian trong mấy năm quá khứ ấy đã bị tôi quên sạch, dường như trước nay chưa từng xảy ra, dường như trong nháy mắt, tôi liền thành dáng vẻ hiện tại.
“Anh biết dưới đó có bao nhiêu không?” Tôi nói, “Sao?” Đã đi gần hết vòng xuyến, tôi cảm thấy sau khi đi được nửa vòng, tốc độ của anh ta chậm hơn tất cả những xe khác. “Không có gì, giờ anh đi đâu?” Tôi liếc nhìn quảng trường một cái, thật giống một bức tranh tĩnh lặng. “Về chỗ vừa nãy tới.” tôi nói. Anh ta sang số, tăng tốc. “Anh nói xem, vì sao bọn họ lại ra ngồi yên ở đó?” Một lúc sau anh ta hỏi tôi. Tôi nói, “Hoài niệm chuyện cũ chăng.” Anh ta bảo, “Không phải, là vì bọn họ không vui.” Tôi nói, “Ừm, có thể. Bọn họ mượn chuyện này để trút nỗi phẫn nộ của bản thân.” Anh ta bảo, “Bọn họ làm tôi nhớ tới cá heo.” Tôi nói, “Sao cơ?” Anh ta bảo, “Trên tin tức nói nước biển bị ô nhiễm, cá heo bèn bơi tới bờ biển tự sát, chết thẳng cẳng ngổn ngang cả một vùng.” Tôi không nói gì. Anh ta bảo, “Người nhu nhược đều là như thế, thực ra cá heo cũng có răng, hơn bảy mươi tuổi cũng vẫn cầm được đao. Con người ấy à, luôn đợi đến ngày chết mới biết đời này có đủ vốn liếng hay không, anh nói xem?” Tôi nói, “Cũng không phải, có lẽ chịu đựng được là sẽ có hy vọng.” Anh ta bảo, “Ừ, cũng đúng. Hy vọng phân chia không đủ, luôn bị loại người như các anh chiếm mất.” Càng lúc tôi càng phát hiện anh ta biết tôi. Tôi rất muốn gỡ khẩu trang của anh ta xuống cho tôi nhìn thử, nhưng chuyện này là không thể. Tôi ngồi ở ghế sau taxi, cố hết sức nhớ lại, giọng điệu của anh ta, dáng người của anh ta, nhưng luôn có một vài thứ chẳng thống nhất gì cả, cứ cố ý cản trở, vừa giống lại vừa không giống.
Tới nơi, anh ta dựng hai chữ “xe trống” lên, bảo, hai mươi chín. Anh biết dưới đó có bao nhiêu không? Tôi vừa lấy ví, vừa nói, gì cơ? Anh ta bảo, dưới chân tượng chủ tịch có bao nhiêu chiến sĩ bảo vệ? Tôi nói, tôi nhớ mình từng đếm, nhưng giờ quên mất rồi. Anh ta nhận tiền của tôi, không nói gì, đợi tôi mở cửa xuống xe, anh ta thò đầu ra ngoài cửa xe nói, ba mươi sáu người, hai mươi tám nam, tám nữ, năm người đeo nịt tay áo, chín người đội mũ bộ đội, bảy người đội mũ sắt, ba người xách tiểu liên, hai người vác mã tấu. Nói xong, anh ta đạp ga, lái xe đi mất.