Lý Phỉ
Rốt cuộc từ khi nào ký ức của tôi bắt đầu trở nên rõ ràng hữu hình, và còn trở thành một phần của sinh mệnh tôi sau này vậy? Hoặc rốt cuộc những ký ức này có bao nhiêu điều thật sự từng xảy ra, và bao nhiêu điều do tôi dựa vào mảnh vỡ của ký ức để chắp vá nên đây? Điều này đã thành câu đố khó giải. Bố thường ngạc nhiên với trí nhớ về cuộc sống thời thơ ấu của tôi, lúc thì tôi kể ra một đoạn ngắn mà ông đã quên từ lâu rồi, được tôi nhắc tới ông mới nhớ rằng hóa ra có chuyện thế này, những chi tiết vụn vặt của câu chuyện hoàn toàn khớp với sự thật, mà với độ tuổi của tôi lúc đó thì không nên nhớ được rõ ràng đến vậy; lúc thì ông nhắc tới chuyện xảy ra không lâu trước đó, có lẽ ngay một tuần trước, mà tôi đã hoàn toàn quên mất, không còn chút ấn tượng nào, vậy là ông hoài nghi chuyện ấy có từng xảy ra chăng, rốt cuộc thì trí nhớ của ai có vấn đề, là ai đang già đi.
Hoàn cảnh khi mẹ qua đời, tôi không nhớ được. Về sau tôi từng xem ảnh chụp của mẹ, không có gì đặc biệt, một người phụ nữ xa lạ mà thôi, chuyện này khiến tôi thường xuyên cảm thấy phẫn nộ, điều gì đã khiến tôi và bà trở thành người xa lạ? Lời giải thích của bố khiến người ta thất vọng, chẳng có nguyên nhân gì đặc biệt, không chỉ một người phụ nữ sinh con gặp nguy hiểm đến tính mạng, cho dù một người khỏe mạnh đi trên đường cái cũng có thể bị tài xế say rượu đâm chết.
Bố không bao giờ tái hôn. Ở nhà trẻ, cô giúp tôi rửa mông, lại còn kiểm soát hiệu quả thời gian tôi đi nhà xí, nếu tôi không nghe lời mà ị đùn hoặc đánh nhau với đứa trẻ khác thì còn có thể đánh tôi. Khóc, bốp một cái vào mồm, lại khóc, bốp một cái vào mồm, tao xem mày còn khóc nữa. Không sai, điều này hẳn phải là trách nhiệm của người mẹ, nếu có mẹ thì cũng sẽ như vậy. Điều này làm tôi thấy hơi vui lòng, không có gì to tát cả, buổi tối những đứa trẻ khác có mẹ tới đón, tôi sẽ nghĩ, mày sắp gặp xui xẻo rồi, về nhà cũng vẫn vậy thôi. Đáng tiếc, ảo giác như vậy không duy trì quá lâu, năm sáu tuổi, tôi gặp gia đình Tiểu Thụ.
Tiểu Thụ là hàng xóm của nhà tôi, ở giữa khu nhà trệt chỗ chúng tôi, nhà tôi thì ở cuối cùng phía đông, mỗi ngày bố tan làm từ xưởng tới nhà trẻ đón tôi đều phải dắt xe đạp qua trước nhà Tiểu Thụ. Bố là thợ nguội, tay nghề rất giỏi, những người vào xưởng cùng ông đều được gọi là Tiểu Triệu, Tiểu Vương, Tiểu Cao, còn người khác lại gọi ông là thầy Lý. Mỗi ngày bố dắt tôi đi trong xưởng đều có người chào hỏi bố, thầy Lý về à? Thầy Lý về nhà nấu cơm đấy à? Thầy Lý làm phôi than cho mùa đông chưa thế? Có cần giúp không? Còn có người tới đùa với tôi, nói chuyện với tôi, bố đều cười đáp lại, nhưng xe rất ít khi dừng lại. Có người đan khăn quàng cổ, áo len cho bố tôi, đỏ này, xanh navy này, lam đậm này, bố nhận rồi đều để trong tủ, ném vào một túi bóng long não*. Nghe nói ngày trước bố là người tương đối khó tính, nhưng sau khi kết hôn thì đối xử rất tốt với mẹ, rất ít khi giành giật với người ta, thà để mình chịu thiệt chứ cũng không muốn om sòm mất vui. Sau khi mẹ chết, có một độ ông gầy sọp đi, sau đó đã béo lại rồi, còn tự học cách nấu cơm, thăng chức trưởng ban trong xưởng, dẫn theo hai học trò, đều là nam, ông không cần học trò pha trà cho mình, cũng không cần bọn họ giúp mình giặt quần áo lao động, nhưng ông dạy cho bọn họ những thứ mình biết, ông có thể một mình lắp toàn bộ động cơ bằng ba cái cờ lê trong thời gian 2 phút 45 giây. Nếu có người thấy mặt bố rầu rầu, ăn cơm trưa xong sẽ không xem người khác đánh tú lơ khơ, mà sẽ tới nhà trẻ trông tôi ngủ trưa, đó nhất định là vì học trò của ông không làm tốt phận sự.
*Khối gỗ long não hình cầu để khử mùi, chống gián, ẩm mốc… cho phòng ngủ và tủ quần áo.
Lúc tôi sáu tuổi, ấy là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Tiểu Thụ. Chúng tôi từng gặp ngày trước rồi, tôi lớn hơn Tiểu Thụ một tuổi, đã học xong nhà trẻ, vào trường mẫu giáo, sang năm mới là lên tiểu học, còn Tiểu Thụ vẫn ở lớp lớn trong nhà trẻ, bởi vì nghịch ngợm không vâng lời nên rất là nổi danh, làng trên xóm dưới ai cũng biết. Nghe nói có lần cùng chơi bóng cao su với các bạn bé, mọi người đều ôm bằng tay, cậu ném cho tôi, tôi ném cho cậu, Tiểu Thụ nhận được bóng, vung chân một phát, đá vỡ đèn tuýp trên trần nhà. Bột huỳnh quang rơi hết lên tóc mấy đứa trẻ con. Cô không đánh cậu ấy, mà đến Phòng cung ứng và tiêu thụ tìm bố Tiểu Thụ tới. Bố Tiểu Thụ nhìn ngó, nói chuyện với các cô, tìm tất cả những đứa trẻ bị dọa giật mình tới bới tóc ra xem, ra ngoài mua hai bóng đèn tuýp mới, một gói kẹo sữa thỏ trắng lớn. Sau đó đứng trên ghế, lắp bóng đèn lên. Các cô giúp chú ấy giữ ghế, sau đó kéo chú ngồi xuống cắn hạt dưa, vừa nói vừa cười tiễn chú về.
Bố của Tiểu Thụ là phần tử tích cực có tiếng, không biết đâu ra mà nhiều cách như vậy, dù sao chú ấy luôn ăn mặc rất đẹp, có thể làm được chuyện người khác không thể làm.
Sở dĩ tôi có thể nói chuyện với Tiểu Thụ, là vì chạng vạng tối ngày hè hôm ấy, tôi muốn dùng que kem trong tay mình đổi lấy diêm trong tay Tiểu Thụ.
Chạng vạng tối ngày hè hôm ấy, sau này từng bị tôi lôi ra nhớ lại trong biết bao đêm, lúc bắt đầu chỉ là muốn nhớ lại, sau đó thì trở thành một kiểu luyện tập, ngăn không cho đêm ấy bị chính mình bóp méo, hoặc là giống như bao đêm khác của tôi, biến mất trong bóng tối.
Tôi thích diêm, hay trộm diêm của bố chơi, coi xem cái gì đốt cái gì. Thực ra bình thường tôi là một đứa bé thật thà lắm, cũng không nói bao nhiêu, cô không cho đi nhà xí, tôi có thể luôn nhịn, có lần nhịn đến răng đánh lập cập, lăn ra ngất xỉu. Nhưng chính là thích lửa, nhìn thấy diêm là không đi đâu nữa, có lần đốt luôn thư mẹ viết cho bố, đó là hai lần bố cho tôi diêm. Trong nhà không còn thấy diêm nữa. Lần đó tôi cướp diêm của Tiểu Thụ, lập tức biến bao diêm thành quả cầu lửa, thực sự là giữ lâu lắm, da ngón tay bị đốt cũng chẳng để ý, quả cầu lửa rơi xuống từ không trung, tắt ngóm. Còn tôi đột nhiên òa khóc, chơi thế này quá là hoang phí.
Bố hơi ngại, lại không nỡ đánh tôi, bảo, con bé này, Tiểu Phó, cô xem cái con bé này. Phó Đông Tâm nói, cháu thích diêm à? Tôi cúi đầu mân mê da tay không nói gì. Phó Đông Tâm nói, vì sao thế? Tôi không nói gì. Bố chọc một ngón tay lên vai tôi, cô Tiểu Phó nói chuyện với con kìa. Tôi bảo, đẹp. Phó Đông Tâm nói, cái gì đẹp? Tôi bảo, lửa, lửa đẹp. Phó Đông Tâm nói, cháu lại đây. Tôi đi tới, Phó Đông Tâm kéo tay tôi ra nhìn, ngẩng đầu nói với bố, đứa trẻ này tương lai có thể làm được gì đó. Bố bảo, làm cái gì? Phó Đông Tâm nói, không biết, có lòng hiếu kỳ, Tiểu Thụ nhỏ quá, ngồi không yên, dạy nó cái gì nó cũng quay đầu là quên ngay. Bố bảo, trẻ con bốn tuổi, để thằng bé chơi. Phó Đông Tâm nói, anh mà tin em thì buổi tối ăn cơm xong để con bé sang chỗ em, ban ngày cuối tuần sang, chỗ em nhiều sách, ngày bé em cũng thích nghịch lửa. Bố bảo, thế sao được? Thêm bao nhiêu là phiền phức cho cô với Đức Tăng. Trang Đức Tăng nói, phiền phức gì? Bây giờ sinh một đứa, để hai đứa bé đi với nhau, anh cũng thoải mái dễ chịu. Mấy thứ đầy trong đầu Đông Tâm, anh để cô ấy nói với em? Bố bảo, còn không cảm ơn cô chú? Tôi nói, cảm ơn cô chú. Lúc này Tiểu Thụ vẫn ngồi xổm trên đất nghiên cứu que kem kia, mặt trên que kem đã bị kiến bò đầy, phần lớn đã bị dính bệt không lấy ra được.
Hôm sau là ngày đi làm, tôi một mực mong chờ buổi tối mau mau tới, nhưng đến tối bố không hề nhắc đến vụ này, vẫn xuống bếp nấu cơm như trước, sau đó bê bàn bệt lên kháng*, hai người đối mặt ăn cơm, không nói chuyện gì. Lúc đi ngủ, tôi khóc một trận ở trong chăn, lén lút lấy tay cạy lớp ngoài tường nhét vào mồm, vừa cậy vừa ăn vừa khóc, rồi ngủ mất. Hôm sau nữa là chủ nhật, buổi sáng lúc ngủ dậy bố không có ở nhà, cửa khóa trái, bình thường bố muốn ra ngoài làm việc ngày chủ nhật đều sẽ khóa tôi trong nhà thế này. Tôi đến rèm cửa cũng không kéo, đánh răng rửa mặt, sau đó tìm ít đồ để ăn trên bếp. Lúc bố về mồ hôi đầy người, mang theo một đống đồ, nửa dẻ sườn, hai túi táo Quốc Quang, một hộp điểm tâm công ty Thu Lâm. Ông thay cho tôi một bộ quần áo sạch sẽ, kéo rèm cửa, bên ngoài ánh nắng chói mắt cả một vùng, tự thay bộ đồ đi làm giặt nhiều đến trắng bệch, đi đôi giày cao su xanh lá mới phát. Sau đó cầm lấy đồ, dắt tay tôi, đi tới nhà Tiểu Thụ.
*Giường xây bằng gạch hoặc đắp bằng đất ở dưới có bếp lửa để sưởi ấm, thường thấy ở miền bắc Trung Quốc.
Bố Tiểu Thụ đang đánh xi bóng cho giày da, Tiểu Thụ chơi bong bóng xà phòng bên cạnh, Phó Đông Tâm đang ngồi trên kháng, vẽ thứ gì đó lên một tờ giấy trắng. Bố Tiểu Thụ ngẩng đầu lên nói, tới rồi à? Bố bảo, bận à? Sau đó ông đi vào trong nhà, để đồ lên tủ cao tủ thấp, bảo với tôi, gọi cô giáo Phó.