Moses trên đồng bằng (1)

Trang Đức Tăng

Năm 1995, tôi chính thức thoát ly khỏi quan hệ với xưởng thuốc lá thành phố, dẫn theo một kế toán và một nhân viên bán hàng xuống phía Nam tới Vân Nam. Trước khi bỏ việc, tôi là trưởng phòng cung ứng và tiêu thụ, có bằng các môn văn hóa trung học cơ sở, từng có trải nghiệm của thanh niên trí thức tới nông thôn*, sau khi về thành phố thì học lớp của bố tôi và được phân tới phòng cung ứng và tiêu thụ của xưởng thuốc lá. Lúc đó phòng cung ứng và tiêu thụ chỉ để trưng, tổng cộng ba người, ngày nào cũng chỉ uống trà đọc báo. Bởi vì tôi trẻ tuổi, nam giới, lại có chút quan hệ anh chị em họ với trưởng xưởng, mấy năm sau được đề bạt làm trưởng phòng, dưới trướng vẫn là hai người kia, họ đều lớn tuổi hơn tôi nên không gọi tôi là trưởng phòng, mà vẫn gọi Tiểu Trang. Tôi với Phó Đông Tâm quen biết thông qua người giới thiệu, lúc đó nàng hai mươi bảy tuổi, cũng là thanh niên trí thức trở lại thành phố, dáng dấp không tồi, tóc đen lắm, lưng cũng thẳng, người không cao nhưng khí chất rất tốt, nhẹ nhàng thoải mái. Bố nàng từng là giảng viên đại học, trước giải phóng dạy Triết học ở đại học thành phố tôi, Triết học thì tôi không hiểu, nhưng nghe nói trường phái của bố nàng là chủ nghĩa duy tâm, lúc “Phản hữu”** thì bị đả đảo, sách cất giữ đều bị học sinh của ông đem về nhà nhét bếp lò hoặc dán cửa sổ, lúc “Cách mạng văn hóa”*** thì thân thể cũng bị tàn phá, một tai bị đánh đến điếc, sau “Cách mạng văn hóa” khôi phục địa vị, nhưng không thể tiếp tục dạy học. Ông có ba cô con gái, Phó Đông Tâm là cô hai, tất cả đang công tác ở công xưởng, không có cô nào kế thừa nghiệp học gia đình mà đều hòa cùng giai cấp công nhân.
*Những thanh niên do chí hướng tự nguyện hoặc bị bắt buộc đưa tới nông thôn làm nông dân, trên thực tế đa phần chỉ qua giáo dục trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.
**Cuộc vận động chống cánh hữu (1957-1959): cuộc vận động của Đảng cộng sản Trung Quốc sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, với mục đích thanh trừng chủ trương “Hữu khuynh”, chủ yếu liên quan tới các phần tử trí thức ủng hộ chủ nghĩa tư bản, chống chủ nghĩa tập thể.
***Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976): phong trào chính trị xã hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt chính trị, văn hóa, xã hội ở Hoa lục, được gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa”, thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện.

Lần đầu tôi và Phó Đông Tâm gặp mặt, nàng hỏi tôi từng đọc những sách gì, tôi vắt hết óc, nhớ lại trước khi xuống nông thôn từng xem qua cuộn tranh “Hồng Lâu Mộng” ở chỗ bạn học, nàng hỏi tôi có còn nhớ nhân vật chính là ai không. Tôi trả lời rằng không nhớ được, chỉ nhớ có một cô khóc lóc sướt mướt, và một anh đàn bà rên rỉ. Nàng cười, bảo đại khái cũng không sai. Hỏi tôi yêu thích cái gì, tôi nói thích bơi lội, mùa hè bơi ở sông Hỗn, mùa đông đi công viên Bắc Lăng, bơi mùa đông trong hồ nhân tạo. Khi ấy là mùa thu năm 1980, tuy vẫn chưa đóng băng nhưng nhiệt độ đã rất thấp, hôm đó tôi mặc áo len cao cổ mẹ đan cho, bên ngoài là áo jacket da màu đen mượn từ chỗ bạn. Lúc nói câu này, tôi và nàng đang chèo thuyền trên hồ nhân tạo ở một công viên, nàng ngồi đối diện tôi, quàng một chiếc khăn quàng đỏ, đi đôi giày vải cài quai màu đen, tay cầm một quyển sách, tôi nhớ hình như là bút ký về đi săn viết bởi một người nước ngoài. Tuy từ tuổi tác mà nói, nàng đã là con gái lỡ thì, lại còn là công nhân, mỗi ngày tan làm cả người cũng toàn mùi thuốc lá như người khác, nhưng chính vào khoảnh khắc đó, vào buổi sáng hôm đó, nàng trông giống y như đúc một cô nữ sinh ra ngoài bơi thu. Nàng nói cuốn sách đó là tiểu thuyết, tên “Bác sĩ ở huyện”, viết rất hay, nàng đọc trên xe buýt trên đường tới, đọc xong rồi. Nàng bảo, anh biết viết về cái gì không? Tôi nói, không biết. Nàng bảo, một người bị đuối nước, có người cởi sạch quần áo tới cứu nàng, nàng ôm lấy cổ người ấy, bơi về phía bờ, nhưng nàng đã uống không ít nước, nàng biết mình sẽ chết thôi, nhưng nhìn thấy lông tơ sau gáy người ấy và mái tóc sũng nước, còn có gân cổ nổi lên vì gắng sức, trước khi chết nàng đã yêu người đó, chuyện như thế sẽ xảy ra đấy, anh có tin không? Tôi nói, anh bơi rất giỏi, em cứ yên tâm. Nàng lại cười, bảo, anh có mặt rất đúng giờ, em biết anh qua loa, nhưng anh cũng không cần chê em kỹ càng, cuốn tranh duy nhất anh từng xem là một cuốn sách vĩ đại, chỉ cần anh không chê em, không chê mấy suy nghĩ linh tinh của em, là chúng mình có thể sống chung. Tôi nói, em đừng thấy anh trước mặt em nói chuyện rất vụng về, nhưng mà bình thường anh không có vậy. Nàng bảo, em biết, người giới thiệu bảo anh có chút thời gian thanh niên làm thủ lĩnh, hô hào kết bè lập hội. Tôi nói, phàm trên đời này có người có cơm ăn, là anh ăn được, cũng sẽ cho em ăn, phàm có người ăn ngon, anh tuyệt đối sẽ không để em ăn sau. Nàng bảo, buổi tối em đọc sách, viết lách, ghi nhật ký, anh đừng quấy rầy em. Tôi nói, ngủ với nhau không? Nàng không nói gì, ý bảo tôi chèo mạnh vào, đừng dừng lại, chèo một mạch tới bờ.

Một năm sau khi cưới, Trang Thụ ra đời, tên là do nàng đặt. Trang Thụ trước ba tuổi đều ở nhà trẻ trong xưởng, mỗi ngày đưa đón là tôi, vì Phó Đông Tâm muốn mua rau nấu cơm, nên chúng tôi chia nhau ra làm. Thực ra như thế cũng là bất đắc dĩ, cơm nàng nấu thật sự khó nuốt, nhưng nếu để nàng đưa đón con thì còn nguy hiểm hơn. Có một lần chân phải Tiểu Thụ bị mắc vào nan hoa xe, nàng không hề phát hiện, bực bội vì sao xe không đi được, còn ra sức đạp. Quan hệ của nàng với mọi người trong xưởng cũng không tốt gì cả, tú lơ khơ thì nàng không đánh, áo len nàng cũng chẳng đan, lúc nghỉ trưa toàn ngồi trong đống lá thuốc đọc sách, sinh ra xa cách với đồng nghiệp là chuyện rất bình thường. Bầu không khí đầu những năm 80 tuy đã tốt hơn quá khứ, nhưng mọi người vẫn có ý kiến với người như nàng, nếu lại có một cuộc vận động, việc đầu tiên sẽ chính là đả đảo nàng. Có một buổi trưa tôi tới công xưởng bọn họ tìm nàng ăn cơm, phát hiện hộp cơm của nàng đã nguội, hóa ra tình cảnh thế này đã kéo dài được một thời gian, sáng nào nàng bỏ hộp cơm vào lồng hấp cũng có người lấy ra. Tôi tìm tới chủ nhiệm công xưởng phản ánh tình hình, anh ấy nói mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thế này tôi cũng chẳng có biện pháp, tôi không phải trưởng đồn công an, sau đó anh ấy bắt đầu kể khổ với tôi, tất cả những người cùng tổ với nàng đều phải gánh vác nhiều công việc hơn, vì nàng làm việc quá chậm, y như thêu hoa, trong buổi gặp gỡ học tập bài phát biểu của đồng chí Tiểu Bình, nàng vẽ chân dung đồng chí Tiểu Bình lên vở, đồng chí Tiểu Bình rất lớn, y như cổng chào, đồng chí Hoa Quốc Phong và đồng chí Hồ Diệu Bang thì nhỏ y như đồ chơi. Nếu không phải nghĩ cho mặt mũi của tôi thì sớm đã phản ánh với phía xưởng, điều nàng tới công xưởng khác rồi. Anh ấy vừa nói vậy trái lại còn khiến tôi có một linh cảm, tôi quay người đi ra, tới cửa hàng bách hóa mua hai chai rượu Tây Phụng*, quay về đặt trên bàn anh ấy, nói, anh điều cô ấy đến xưởng in ấn đi.
*Loại rượu đặc sản của huyện Phụng Tường, tỉnh Thiểm Tây.

Phó Đông Tâm từ nhỏ đã chép tranh minh họa trên sách, hôm ấy kết hôn, trong đồ dùng mang về nhà chồng có một cuốn vở lớn, tranh vẽ đều là minh họa sách. Tuy tôi không biết vẽ cái gì, nhưng rất là đẹp mắt, có nhà thờ lớn rất cao, một tên gù đang gõ chuông trên mái, còn có một cô gái nước ngoài mặc váy rộng, các nếp gấp trên váy rất rõ ràng, hệt như có thể phát ra âm thanh khi ma sát. Tối hôm đó ăn cơm xong, tôi cầm ghế đẩu ra sân hóng mát, nàng nằm nghiêng trên giường đọc sách, Tiểu Thụ ngồi trước mặt tôi, cầm bao diêm của tôi để nghịch, lúc thì giơ lên tai lắc lắc, lúc lại đặt trước mũi để ngửi. Nhà tôi có cái ti vi đen trắng, nhưng rất ít khi mở vì quấy rầy đến nàng, một lúc sau Phó Đông Tâm cũng bê ghế đẩu tới ngồi cạnh tôi. Ngày mai em đi làm bên xưởng in ấn, nàng bảo. Tôi nói, tốt, đơn giản thôi. Nàng bảo, hôm nay em nói chuyện với chủ nhiệm xưởng in ấn, em muốn vẽ cho họ mấy bao thuốc lá, vẽ chơi thôi, cho họ xem thử, dùng hay không là ở họ. Tôi nói, được, vẽ đi. Nàng ngẫm nghĩ rồi bảo, cảm ơn anh, Đức Tăng. Tôi không biết phải nói thế nào, bèn cười cười. Lúc này, bố con bé Tiểu Phỉ dắt Tiểu Phỉ đi qua trước mặt chúng tôi. Dãy nhà của chúng tôi có hai mươi mấy hộ, lão Lý ở nhà cuối cùng phía đông, làm trong xưởng máy kéo cỡ nhỏ, là thợ nguội, mặt chữ điền, người tầm thước nhưng rất rắn chắc, tôi quen cậu ấy từ nhỏ. Nhà họ có ba đứa, không giống tôi là con một, lão Lý nhỏ nhất, nhưng hai người anh đều sợ cậu ấy, lúc “Cách mạng văn hóa” đi cướp tem, cậu ấy còn từng đâm người ta bị thương, chúng tôi cũng từng động tay chân, nhưng sau đó mọi người đều quên hết chuyện này. Sau khi kết hôn thì trầm ổn nhiều rồi, chịu được khổ, tay cũng khéo, là người tiến bộ. Vợ cũng ở trong xưởng máy kéo của cậu ấy, là thợ phun sơn, hay đeo khẩu trang, quanh mũi có một khoanh vuông trắng hơn những chỗ khác, tiếc là đã chết lúc sinh Tiểu Phỉ. Lão Lý trông thấy ba chúng tôi, bảo, ngồi ngay ngắn thế, lên lớp à? Tôi nói, dẫn Tiểu Phi đi lòng vòng à? Cậu ấy bảo, Tiểu Phỉ muốn ăn kem, ra chỗ cụ Cao mua cho một que. Lúc này Tiểu Phỉ và Tiểu Thụ đã nói chuyện, Tiểu Phỉ muốn đổi que kem đã ăn một nửa lấy bao diêm của Tiểu Thụ, mắt liếc Phó Đông Tâm, Phó Đông Tâm bảo, Tiểu Thụ, đưa bao diêm cho chị, mình không lấy que kem. Phó Đông Tâm nói xong, Tiểu Thụ vứt bao diêm “bộp” một cái xuống đất, giật lấy que kem từ trong tay Tiểu Phỉ. Tiểu Phỉ nhặt bao diêm lên, rút một que diêm ra từ trong đấy, quẹt một cái, nhìn chăm chăm, lúc đó trời đã tối, không có trăng, diêm cháy được một nửa, con bé dùng nó để đốt bao diêm, lão Lý đưa tay ra cướp, bao diêm đã ở trong tay con bé, nhìn qua không phải vì bị bỏng mà là vì nó muốn làm thế, nó ném quả cầu lửa trong tay lên trời, reo lên xì xì bộp bộp, ném rất cao.

2. Tưởng Bất Phàm

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s